(HNM) - Hôm rồi, hay tin một công ty tư nhân đầu tư hẳn một Viện phim hoạt hình và truyện tranh Việt Nam, đạo diễn phim hoạt hình, NSND Phương Hoa không ngần ngại bày tỏ: Càng nhiều người quan tâm, đầu tư cho hoạt hình thì càng tốt. Bởi lẽ số lượng mà lèo tèo thì chưa thể nói gì đến chất lượng…
Quả là mỗi năm Hãng phim hoạt hình Việt Nam chỉ sản xuất chừng 10 đầu phim. Mỗi phim trung bình 10 đến 15 phút, chỉ một số ít phim dài đến 60 phút. Nếu đem thời lượng phim hoạt hình sản xuất trong cả năm ấy mà chia ra cho cả năm thì quá là "muối bỏ bể". Đấy là chưa nói đến việc không phải tất cả các phim đều được phổ biến liên tục.
Số lượng không thấm tháp gì, cho nên việc có một vài phim, một vài cá nhân đam mê, sáng tạo, nổi lên gần đây cũng không đủ sức xoay chuyển tình thế của hoạt hình. Phim truyện điện ảnh cũng vậy, tuy có nhiều dòng nhiều thể hơn, nhưng vẫn còn chập chờn ở lượng, chưa đủ kết tinh thành chất. Cứ đến các kỳ xét giải thì biết phim dở lẫn với phim hay đều xếp vào một giỏ để đi thi hết, vì BTC cũng không bói được ra phim, chỉ biết "so bó đũa, chọn cột cờ"…
Có một ví dụ hay được nhắc đến về việc tạo thói quen cho người xem bắt đầu từ bài toán số lượng, đó là loạt phim hoạt hình "Quà tặng cuộc sống". Chỉ dài từ 3 đến 5 phút, với một câu chuyện chắt lọc và sử dụng hình thức hoạt hình để chuyển tải, nhưng chương trình này đang thu hút một lượng khán giả không nhỏ. Phải nói, về nghệ thuật thì không có gì đáng kể, người trong nghề đều thấy, nhưng hiệu quả thì không thể phủ nhận. Từ việc xuất hiện đều đặn, nhà sản xuất có thể bảo đảm lượng khán giả nhất định giúp giải bài toán kinh tế tiến tới tái đầu tư và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đây cũng chính là phương thức mà các hãng hoạt hình lớn trên thế giới đều áp dụng: Ngoài chuyện sản xuất liên tục, họ còn phân ra nhiều loại như loại chiếu quanh năm, loại chiếu theo mùa, loại chiếu theo giờ…
Hoạt hình của ta lẽ nào lại đứng ngoài quy luật lượng đổi thành chất ấy!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.