64 trận cầu sôi động của World Cup 2006 cuối cùng cũng đã khép lại và bây giờ là lúc để điểm lại những gương mặt xuất sắc nhất. Dưới đây là đội hình tiêu biểu do chúng tôi bình chọn.
Marcello Lippi xứng đáng được tôn vinh
Trong số 4 đội bóng vào bán kết thì có tới 3 đội sử dụng đội hình 1 tiền đạo (trừ Đức) với lối chơi chắc chắn. Điều này cho thấy sự thành công của sơ đồ 4-5-1 tại World Cup lần này và đây cũng là sơ đồ mà chúng tôi áp dụng cho đội hình tiêu biểu cho giải.
Thủ môn: Gianluigi Buffon (Italia)
Một lựa chọn không phải bàn cãi. Buffon quá xuất sắc và ổn định trong suốt cả 7 trận đấu của ĐT Italia tại World Cup lần này và góp công lớn trong việc giúp Italia bước lên bục cao nhất của bóng đá Thế giới.
Trong 7 trận đấu, Buffon chỉ 2 lần phải vào lưới nhặt bóng và đó đều là 2 tình huống "bất khả kháng". Đầu tiên là pha đá phản của Zaccardo trong trận đấu với ĐT Mỹ và cuối cùng là cú sút phạt 11 mét của Zidane ở trận chung kết. Giữa 2 bàn thắng này, Buffon đã kịp có 460 phút liên tục giữ sạch lưới, xếp thứ 5 trong lịch sử các kỳ World Cup.
- Dự bị: Jens Lehmann (Đức). Thi đấu ổn định trong khung thành đội chủ nhà cho dù sức ép với cầu thủ của Arsenal luôn rất lớn. Lehmann là người hùng của ĐT Đức trong trận đấu với Argentina khi cản phá thành công 2 quả sút 11 mét của Ayala và Cambiasso, đưa đội tuyển nước chủ nhà vào bán kết.
Hậu vệ: Philipp Lahm (Đức, trái), Fabio Cannavaro (Italia, trung vệ), Lilian Thuram (Pháp, trung vệ), Gianluca Zambrotta (Italia, phải).
Có lẽ, khó có lựa chọn nào xứng đáng hơn 3 vị trí ở hàng thủ là cặp trung vệ và hậu vệ phải. Cannavaro và Thuram là những chiến binh thầm lặng, là trái tim của hàng phòng ngự Italia và Pháp trong khi Zambrotta tỏ ra là một hậu vệ cánh toàn năng, lên công về thủ hết sức hiệu quả.
Vị trí hơi "nhạy cảm" là của Lahm khi hậu vệ này không thể hiện được nhiều trong 2 trận đấu then chốt của ĐT Đức với Argentina và Italia tại tứ kết và bán kết. Cũng bởi vì tại vị trí của Lahm còn có một cái tên rất đáng chú ý nữa là Fabio Grosso của đội vô địch Italia.
Chính Grosso là người ghi bàn thắng tuyệt đẹp giúp Italia cướp đi chiếc vé chung kết của ĐT Đức. Tuy nhiên, với pha ngã vờ để kiếm 1 quả 11 mét trong trận đấu với Australia, Grosso hơi bị "bất điểm"
- Dự bị: Fabio Grosso (Italia, trái), Roberto Ayala (Argentina, trung vệ), Marco Marterazzi (Italia, trung vệ), Willy Sagnol (Pháp, phải). Trong số 4 cầu thủ dự bị này, chỉ 1 mình Ayala có tên trong đội hình 23 cầu thủ xuất sắc nhất tại World Cup của FIFA.
Materazzi dù chỉ là lựa chọn bất đắc dĩ của HLV Lippi (Nesta bị chấn thương) nhưng đã thi đấu cực kỳ ấn tượng và ăn ý với đội trưởng Cannavaro. Ngoài ra, trung vệ của Inter này còn ghi được 2 bàn thắng, đều từ những cú đánh đầu và thực hiện thành công quả sút 11 mét trong loạt đấu súng cân não với ĐT Pháp ở trận chung kết.
Với Sagnol, dù không nổi bật nhưng hậu vệ này luôn tỏ ra rất chắc chắn trong phòng ngự và hợp lý ở những tình huống tấn công bên cánh phải của ĐT Pháp.
Tiền vệ: Patrick Vieira (Pháp, trụ), Zé Roberto (Brazil, trái), Adrea Pirlo (Italia, trung tâm), Torsten Frings (Đức, phải), Zinedine Zidane (Pháp, hộ công).
Đây có lẽ là những bố trí gây bất ngờ nhất. Vieira, Zidane và Pirlo là 3 cái tên xứng đáng và đương nhiên phải có tên trong đội hình. Còn Frings và Zé Roberto?
Ở ĐT Đức, Frings là "mắt xích" quan trọng nhất trên hàng tiền vệ. "Cỗ xe tăng" vẫn vận hành tốt khi thiếu Ballack (trong trận đấu với Costa Rica và Bồ Đào Nha) nhưng khi thiếu Frings (trận gặp Italia), lối chơi của ĐT Đức bị ảnh hưởng rõ nét. Có thể nói, Frings là cầu thủ xuất sắc nhất trên hàng tiền vệ của đội chủ nhà chứ không phải đội trưởng Ballack cho dù cầu thủ của Bremen không có tên trong danh sách 23 cầu thủ xuất sắc theo bầu chọn của FIFA.
Tương tự là trường hợp của Zé Roberto. Dù không được chờ đợi nhiều nhưng chính cầu thủ của Bayern này mới là người nổi bật nhất trên hàng tiền vệ toàn sao của Brazil khi hoàn thành xuất sắc cả nhiệm vụ thu hồi bóng, phát động tấn công và ghi bàn.
Dù được bố trí dạt sang 2 cánh trên hàng tiền vệ, những vị trí không đúng như khi thi đấu tại ĐTQG nhưng đó đều là các vị trí mà Zé Roberto và Frings đã chơi và chơi tốt ở cấp CLB.
- Dự bị: Stephen Appiah (Ghana, trụ), Gennaro Gattuso (Italia, trái), Maniche (Bồ Đào Nha, trung tâm), Luis Figo (Bồ Đào Nha, phải), Juan Roman Riquelme (Argentina, hộ công). Trong số này, Appiah và Riquelme không có tên trong danh sách 23 cầu thủ xuất sắc nhất do FIFA bầu chọn.
Appiah là một đại diện cần thiết cho bóng đá châu Phi khi anh cùng Ghana xuất sắc vượt qua bảng E "tử thần" và chỉ chịu dừng bước khi phải đối đầu với Brazil. Maniche và Luis Figo là những cầu thủ đã thi đấu tốt trên hàng tiền vệ Bồ Đào Nha và xứng đáng có mặt trong khi Riquelme cũng đặt dấu ấn ở các trận thắng ấn tượng của Argentina tại vòng bảng.
Tiền đạo: Miroslav Klose (Đức, cắm)
Một giải đấu có quá ít chân sút toả sáng và vị trí chính thức trên hàng công chắc chắn phải thuộc về Klose, "vua phá lưới" World Cup 2006. So với giải đấu 4 năm trước, Klose đã hoàn thiện hơn rất nhiều và trở thành một tay săn bàn lợi hại của ĐT Đức.
Không những vậy, tiền đạo gốc Ba Lan này còn là nguồn cảm hứng cho chiến thắng của ĐT Đức trước Thuỵ Điển tại vòng 1/16 với 2 đường chuyền thành bàn cho người đá cặp, Lukas Podolski.
Dự bị: Ronaldo (Brazil) và Thierry Henry (Pháp). Dù không đạt được phong độ cao nhưng Ronaldo vẫn khiến người ta phải nhắc nhiều tới pha ghi bàn đẳng cấp vào lưới Ghana, bàn thắng đưa tiền đạo này vào lịch sử các VCK World Cup với kỷ lục 15 bàn thắng. Trong khi đó, Henry cũng đặt dấu ấn rõ nét trong lối chơi của ĐT Pháp và càng về sau giải, tiền đạo của Arsenal này thi đấu càng xuất sắc.
HLV: Marcello Lippi (Italia)
Là HLV của đội bóng vô địch, Lippi xứng đáng là HLV xuất sắc nhất World Cup 2006. Những quyết định thay người hợp lý của ông trong các trận đấu với Australia và đặc biệt là với ĐT Đức đã thể hiện đẳng cấp của vị HLV này.
Trong 3 đối thủ đáng gờm của Lippi là Guus Hiddink (Australia), Scolari (Bồ Đào Nha) và Juergen Klinsmann (Đức) thì có 2 người là Hiddink và Klinsmann đã bị Lippi "qua mặt" (Italia loại Australia và Đức trên con đường vô địch).
Những thành công của Hiddink, Klinsi cũng như Scolari với Australia, Đức và Bồ Đào Nha là rất đáng nể nhưng có lẽ, phải dàng sự trân trọng đặc biệt cho Marcello Lippi với chiếc cúp vàng thứ 4 cho người Italia.
Theo VNN
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.