(HNM) - Nói Sóc Sơn "quyết liệt" dồn điền, đổi thửa nghe có vẻ sáo, "phong trào" nhưng đúng là quyết liệt thật. Tuy là chủ trương lớn, với mục đích giảm bớt gánh nặng cho người nông dân, giảm chi phí lao động... nhưng không phải ai cũng thông. Có những thôn phải họp lên họp xuống tới 30 cuộc lớn nhỏ; có những hộ gia đình vì quyền lợi cá nhân kéo cả họ ra, ném đá, chặt dây, căng chia ruộng đắp bờ - phản đối...
Cuộc "trở dạ" ở vùng đồi gò Sóc Sơn để ra đời nếp làm ăn mới, góp phần xây dựng nông thôn mới quả thật quá nhiều vất vả.
Cánh đồng rộn tiếng ca
Sáng 26-11, cánh đồng thôn An Lạc (xã Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội) nhộn nhịp như công trường. Bộ đội (Sư đoàn 312), nông dân tất bật, hối hả tay cuốc, tay xẻng. Để động viên tinh thần bà con, xã làm tấm phông lớn, khẩu hiệu rất "thật thà": Lễ ra quân toàn dân làm thủy lợi, dồn điền đổi thửa trong nông nghiệp (Đã "dồn điền, đổi thửa" lại còn... "trong nông nghiệp"?). Cạnh đó là khẩu hiệu "Nhiệt liệt hưởng ứng chương trình toàn dân xây dựng nông thôn mới". Chỗ đặt phông cũng là sân khấu, có ban nhạc, có ca sĩ hát tưng bừng, nào Tình ta biển bạc đồng xanh, Anh hãy đến quê em, hết tân nhạc rồi đến chèo...
Người dân Trung Giã phấn khởi với chương trình dồn điền, đổi thửa. |
Bà Nguyễn Thị Hòa, thôn An Lạc, chống cuốc, tay quệt mồ hôi bảo: "Nhà tôi đang có 20 thửa đất, tứ tán khắp nơi. Đến ruộng ở chỗ nào còn chẳng nhớ, nói gì đến trồng với cấy. Giờ, dồn lại, dễ tìm, tiện thủy lợi, chăm bón, tôi phấn khởi lắm".
Nhà chị Sái Thị Hoằng, cũng ở thôn An Lạc, có 18 thửa ruộng. Thửa lớn nhất 1 sào, thửa nhỏ nhất có 5 thước. Nhà có 5 khẩu, thu nhập đì đẹt, thấy huyện ra chủ trương, nhà chị hưởng ứng ngay: "Nhà tôi "họp" có ba lần - họp nhà, họp thôn - đồng ý ngay. Bờ ruộng xa quá, đưa nước xuống trồng cấy đều vất. Sau khi nhận đất, trước mắt tôi mới chỉ định cấy lúa.
Hộ bà Trần Thị Thanh chung tình cảnh. Có 22 thửa ruộng, to nhất chưa đầy 2 sào, bé nhất thì xíu xiu 3 thước, vụ chiêm nhà bà Thanh được hơn 2 tấn thóc, vụ mùa tụt mất phần tư. Lúa đủ, nhưng để có chi tiêu, chồng bà Thanh phải đi làm thợ xây. "Ruộng có tập trung một chỗ mới làm ăn được", bà Thanh quả quyết.
Bí thư Chi bộ thôn An Lạc Đỗ Văn Dậu kể: "Nghe chủ trương dồn điền, đổi thửa của huyện, nhiều hộ "phản ứng". Họ nghĩ dồn rồi lại chia, mất thời giờ, lấy đâu ra ruộng mà làm. Ban đầu, phải 15% số hộ không đồng ý. Thôn họp lên họp xuống hơn chục lần. Tư tưởng bà con dần thông, giờ thì ổn, 100% "giơ tay".
Sau dồn điền, đổi thửa, thôn An Lạc được quy hoạch 121ha đất sản xuất gồm trồng cây ăn quả, sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản.
"Sóng ở đáy sông"
Khảo sát của UBND huyện Sóc Sơn cho thấy, trước khi huyện ban hành nghị quyết "về dồn điền, đổi thửa", cả huyện có gần 53 nghìn hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp tại hơn 500 nghìn thửa đất trên các xứ đồng. Trung bình, mỗi hộ có 10 thửa đất. "Hoành tráng" cỡ như xã Bắc Phú, bình quân một hộ có 21 thửa. Trong khi có những thửa đất rộng hàng nghìn mét vuông thì nhiều thửa lại chỉ cỡ 10m2. "Manh mún như thế, làm ăn thế nào được. Huyện khó trong quy hoạch hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng cũng như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Có dồn lại thì mới giảm bớt gánh nặng cho người nông dân, giảm chi phí lao động, tạo cơ sở hình thành tư duy làm ăn mới, góp phần xây dựng nông thôn mới được", ông Ngô Đại Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết.
Chủ trương như thế nhưng không phải ai cũng thông. Một trong những điểm nóng là thôn Cẩm Hà (xã Tân Hưng). Cả thôn, 300 hộ, gần 1.300 khẩu, có khoảng 70ha đất nông nghiệp. Khi nghị quyết ban hành, do mặt bằng dân trí chưa cao, nhiều người không hiểu. Trong khi đó, số có nhận thức lại... không chịu hiểu. Họ tuyên truyền, kích động người dân "tẩy chay" nghị quyết. Xã họp với thôn tới 29 buổi, ròng rã suốt 3 tháng. Triển khai mãi tới tháng 2-2011, thôn này mới giao được xong một nửa diện tích, một nửa nhiều hộ dân giữ lại, đòi làm đường, đòi "giải quyết" những cán bộ "có vấn đề" trước đây... Hôm 23-4-2011 là một trong những ngày nóng bỏng. Có hộ dân kéo cả họ ra cản trở, ném đá, chặt dây (căng để đắp bờ). Công an huyện phải về...
Nếp làm ăn mới
Nếu ví quá trình dồn điền đổi thửa ở Sóc Sơn như một cuộc "chuyển dạ" của vùng đồi gò để cho ra đời nếp làm ăn mới, góp phần xây dựng nông thôn mới thì quả thật cuộc "chuyển dạ" quá nhiều vất vả. Không ít cá nhân trước đây nhờ lý do nào đó mà "lận" được một phần đất nông nghiệp nay không muốn tham gia bởi sợ mất phần "lận" được. Rồi nhiều người đòi xử lý những "ân oán" với cán bộ chính quyền địa phương mới chịu xắn tay vào. "Nguyên cán bộ" cũng trùng trình, thậm chí cản trở, tuyên truyền bừa do "đời mình không làm được (việc dồn điền, đổi thửa) mà đời nó làm được"... - một cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường than thở.
Ông Đỗ Văn Nghị, Phó Chủ tịch xã Tân Hưng kể: Tân Hưng có 5 thôn, năm 2010 đã thực hiện xong, đã giao ruộng ở 3 thôn, từ giờ đến cuối năm xã tập trung nốt 2 thôn Đạo Thượng, Cốc Lương. Nhiều hộ ở đây còn ruộng loại 3 thước, 2 thước, thậm chí 1 thước. Năm 2010, người dân nhận thức còn chưa đầy đủ, giờ thì cơ bản đồng tình. Hiện tại, chúng tôi đã quy hoạch, đào đắp xong 70% đường mương.
Thế nhưng buổi họp thôn Đạo Thượng (xã Tân Hưng) sáng 26-11 vẫn bàn tán lao xao. Người đòi đền bù cây, đất đắp ruộng, đủ thứ. Cán bộ xã lại phải giải thích, vận động...
Ông Nguyễn Văn Dụ, 69 tuổi, người thôn Đạo Thượng (xã Tân Hưng), già rồi nhưng nhận thức tiến bộ hơn khối anh cánh trẻ. "Dính" vào đợt dồn điền, đổi thửa này, nhà ông có 9 khoảnh ruộng, chỗ cao, ông trồng màu, cấy lúa, chỗ gò, trũng... bỏ. Rất thông cảm với cán bộ xã, ông bảo: "Làm cán bộ xã khổ lắm vì nói mãi mà nhiều người không hiểu. Trong khi ấy, ruộng đất tứ tán, nhiều nhà bỏ ruộng, không làm. Nhiều gia đình sáng sớm đèo nhau đi làm thợ xây, chiều về thằng chồng hai trăm (nghìn đồng), con vợ trăm rưởi, mua rượu thịt đánh chén. Dân chán ruộng nhưng vẫn... phản đối. Trước phải tới 20% hộ không đồng ý, nay gật hết. Chia lại, đất được quy hoạch, dễ làm thủy lợi, thích trồng thì trồng, thích nuôi thì nuôi. Rõ ràng như thế, tốt quá còn gì, sau này đỡ cãi nhau”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.