(HNMCT) - Với suy nghĩ ngây thơ, trí tưởng tượng phong phú, không ngại ngần khi nói khi hỏi, trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi tiểu học, thường khiến người lớn phải đối mặt với những thắc mắc tưởng như không có điểm dừng, những câu hỏi hóc búa khó trả lời hay những tình huống dở cười dở khóc.
Là giáo viên tiểu học trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, đồng thời là một họa sĩ với phong cách vẽ hóm hỉnh, đáng yêu và thông minh, tác giả Colm Cuffe đã tái hiện cuộc sống thường nhật của người giáo viên trong cuốn truyện tranh thú vị “Đời giáo dở khóc dở cười” (NXB Phụ nữ).
Colm Cuffe khẳng định rằng: “Tò mò là chìa khóa của học tập, và câu hỏi là một trong những công cụ quyền năng nhất giúp trẻ tư duy độc lập. Khi đặt câu hỏi, trẻ đang đóng vai trò chủ động trong việc học và cũng là lúc trẻ phát triển kỹ năng tư duy phản biện giúp trẻ tăng năng lực não bộ”. Ấy nhưng, nhiều tình huống hỏi của học sinh mà Colm Cuffe kể lại trong cuốn truyện tranh của mình khiến độc giả phải bật cười.
Là khi thầy kể câu chuyện về một chú gấu đói bụng, thì trò giơ tay xin hỏi: “Thầy là gấu phải không ạ?”. Là khi thầy phổ biến những điều các con cần biết về trường thì nhận được thắc mắc: “Tại sao chim lại ị lên cửa sổ ạ?”. Hay khi thầy vừa chào: “Buổi sáng tốt lành cả lớp” thì lập tức có trò xin thưa: “Có gì mà tốt lành ạ?”...
Cùng với chuỗi câu “hỏi xoáy” là muôn vàn câu “đáp xoay” chẳng liên quan mà hình như chỉ lũ trẻ mới có thể nghĩ ra. Là khi thầy hỏi: “Có ai biết hôm nay là ngày mấy không?” thì trò vội vàng xin đáp “Là ngày sinh nhật của bố con ạ”. Là khi thầy đố “Chúng ta đón chào điều gì nhân dịp Giáng sinh?” thì lũ trẻ khẳng định đón chào “Xe tải coca-cola”. Hay khi đang giờ học mà liên tục bị hắt xì, cô học trò vội vàng giải thích “con nghĩ là con bị dị ứng trường học”...
Bằng những nét vẽ giản đơn, Colm Cuffe đã lột tả những tình huống trái khoáy của lũ “học trò tiểu yêu” khiến người thầy thường xuyên phải nhắm mắt mà “thở dài đánh thượt”. Những bức tranh hài hước khiến độc giả khó có thể nhịn cười, như cảnh người thầy giữa một “biển tiền” nếu như mỗi giáo viên nhận được một xu cho mỗi lần nghe thấy câu hỏi phía sau “thầy ơi”...
Ngày nào cũng vậy, có vô số hai chữ “thầy ơi” vang lên khắp lớp học, sân trường. Có thể là “một nghìn câu hỏi vì sao”, có thể là “mách lẻo” chuyện bạn bè, có thể là nhờ cậy thầy trong các tình huống chưa biết buộc dây giày, chưa biết bóc sữa chua, bị kẹt khóa áo, hay là muốn “báo cáo” với thầy tình trạng của bản thân như “con bị ốm" (để không phải làm bài), bị đau răng, bị nhầm quần áo, bị “thất lạc” sách vở, đồ dùng...
Nhận xét về cuốn sách “Đời giáo dở khóc dở cười”, nhà sản xuất phim hoạt hình Mike Reiss bày tỏ: “Xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm giáo viên, tôi thấu hiểu những tình huống hài hước mà chân thực trong mỗi câu chuyện tuyệt vời này. Chắc chắn bạn cũng thế”.
Những tình huống "éo le đến hài hước" trong cuốn sách không chỉ là câu chuyện riêng của thầy trò ở nước Ireland xa xôi của tác giả, mà xuất hiện ở mọi ngôi trường trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bởi thế, bất cứ độc giả nào đọc cuốn sách cũng tìm thấy sự gần gũi, quen thuộc. Đặc biệt, nét đẹp trong tập truyện tranh này là giữa vô vàn tình huống dở khóc dở cười khiến người thầy “chỉ biết câm nín” ấy, độc giả có thể cảm nhận rõ tình yêu nghề, yêu trẻ, lòng nhiệt huyết và trách nhiệm của người thầy - tác giả cuốn sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.