Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đội đặc nhiệm” vào cuộc

Hương Ly| 21/11/2015 12:26

(HNM) - Báo cáo giải trình trước Quốc hội của Chính phủ vừa công bố cho thấy, từ năm 2012 đến 2014, ngành Thuế đã thanh tra, kiểm tra 7.932 doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá. Tính riêng năm 2014, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 12.224 tỷ đồng.


Chuyển giá, "điểm nóng" thất thu

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, trong đó có hoạt động thanh tra, chống chuyển giá. Báo cáo cho biết, từ năm 2012 đến 2014, ngành Thuế đã thanh tra, kiểm tra 7.932 DN có giao dịch liên kết, chuyển giá.



Cụ thể, năm 2012 ngành Thuế đã thanh tra, kiểm tra với 59.419 DN; xử lý truy thu, phạt và truy hoàn số tiền là 12.121 tỷ đồng; giảm lỗ 14.885 tỷ đồng. Trong đó, các cơ quan thuế đã thanh, kiểm tra đối với 2.161 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá. Năm 2013, ngành Thuế cũng đã thanh, kiểm tra với 64.119 DN; xử lý truy thu, phạt và truy hoàn số tiền là 13.657 tỷ đồng; giảm lỗ 15.712 tỷ đồng. Trong đó, các cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra với 2.110 DN có giao dịch liên kết, liên tục khai lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Năm 2014, số lượng DN được cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra tăng lên, với số lượng là 67.053. Qua đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh, kiểm tra là 12.224 tỷ đồng, trong đó truy thu là 8.022 tỷ đồng, truy hoàn 379 tỷ đồng, xử phạt là 2.920 tỷ đồng. Ngành Thuế cũng thanh tra, kiểm tra 3.661 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết, giảm lỗ 7.503 tỷ đồng; truy thu, truy hoàn và phạt 2.045 tỷ đồng.

Một trong những nghi án chuyển giá thu hút sự chú ý của dư luận và tới nay vẫn chưa có hồi kết chính là vụ việc của Công ty CocaCola Việt Nam. Trong một tài liệu gửi UBND TP Hồ Chí Minh, CocaCola Việt Nam cho biết, sau một thời gian thua lỗ kéo dài, DN này đã kinh doanh có lãi. Cụ thể, lợi nhuận tính thuế năm 2014 của CocaCola Việt Nam đạt 16,6 triệu USD, tăng gấp đôi so với mức 7 triệu USD của năm 2013. Tổng số thuế mà DN này nộp ngân sách năm 2014 đạt 20 triệu USD, sản lượng tiêu thụ tăng 25%.

Giới chuyên gia tài chính nhận xét, việc CocaCola thông báo đóng thuế là một động tác để bảo vệ thương hiệu. Bởi, sau những cảnh báo của cơ quan chức năng, DN này buộc phải "chấp nhận" kinh doanh có lãi để bảo vệ uy tín của họ trước người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp đối phó của DN. Bởi 20 triệu USD chỉ là con số rất nhỏ so với hiệu quả kinh doanh của CocaCola tại Việt Nam. Trên thực tế, CocaCola vào Việt Nam tháng 2-1994. Mặc dù doanh thu hằng năm tăng trưởng đều đặn, bình quân 24% nhưng tính đến năm 2011, báo cáo tài chính của CocaCola Việt Nam ghi nhận mức lỗ lũy kế tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu. Điều này cũng đồng nghĩa, DN này không phải nộp một đồng thuế thu nhập DN nào cho Việt Nam, mặc dù đã hoạt động trong suốt 20 năm qua. Cách để CocaCola dù liên tục mở rộng mạng lưới kinh doanh, bán hàng tốt, nhưng vẫn lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Đơn cử, năm 2010 chi phí do nhập nguyên vật liệu từ công ty mẹ lên đến 1.671 tỷ đồng trên doanh thu 2.329 tỷ đồng.

Lập "Đội đặc nhiệm"chống chuyển giá

Tại lễ công bố quyết định thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng cấp tổng cục vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Cải cách hiện đại hóa Tổng Cục thuế cho biết, Đồng Nai là một trong những tỉnh tích cực trong công tác rà soát, đấu tranh chống chuyển giá. Năm 2013, ngành Thuế của tỉnh này đã phát hiện nhiều trường hợp DN FDI có dấu hiệu chuyển giá. Một trong những trường hợp điển hình là Công ty Dệt may Hualon ở Nhơn Trạch (Đồng Nai). Qua kinh nghiệm phân tích chuyển giá, cơ quan thuế đã phân tích rủi ro tại DN này với kết quả giảm lỗ hơn 100 tỷ đồng và truy thu thuế 78 tỷ đồng.

Đánh giá về hoạt động chuyển giá, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, hiện có khoảng 13.000 DN FDI với 4.098 có giao dịch liên kết giá chuyển nhượng được ngành Thuế điều tra. Thực tế này cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực, khối DN FDI cũng đã có những hành vi gian lận thuế, trong đó tinh vi và phức tạp nhất là gian lận thuế qua giá chuyển nhượng. Hành vi gian lận này đã làm giảm số thu thuế, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước và tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng, bình đẳng với DN trong nước. Trong khi đó, công tác phân tích giá chuyển nhượng có nhiều vấn đề phức tạp cần phải thu thập dữ liệu, hợp tác quốc tế để đấu tranh. Chống chuyển giá cũng là nghiệp vụ khó nhất trong công tác quản lý thuế trên thế giới, bởi có những vụ việc phải điều tra trong vòng 2-3 năm.

Để kịp thời phát hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế, bên cạnh cơ quan chống chuyển giá cấp tổng cục, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương cũng đã thành lập "đội đặc nhiệm" chống chuyển giá. Trung tuần tháng 11-2015, Cục Thuế TP Hà Nội cũng đã công bố quyết định thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng. Phòng có chức năng tham mưu giúp Cục trưởng Cục Thuế xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng hằng năm; tổ chức thu thập thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp có quan hệ liên kết, đồng thời thanh tra xác minh, giải quyết các tố cáo về hành vi liên quan đến giá chuyển nhượng… Sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan thuế từ Trung ương đến địa phương sẽ góp phần kiểm soát chặt chẽ các giao dịch liên kết, dấu hiệu chuyển giá của DN, qua đó giảm tình trạng thất thu ngân sách nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đội đặc nhiệm” vào cuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.