Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Độc'' và ''lạ'', không hẳn đã hay!

Hoàng Lê| 08/10/2022 14:32

(HNMCT) - Cuộc sống có những sự kiện, hiện tượng, vấn đề lặp lại. Như những ngày gần đây, các cơ quan truyền thông, mạng xã hội lại “đào xới” chuyện cà phê đường tàu ở Hà Nội - vấn đề được xử lý từ lâu, nhưng không triệt để. Sự loay hoay liên quan đến quan điểm, nhận thức và cách xử lý vấn đề này khi số ủng hộ, thường là kín đáo, nhấn vào yếu tố “lạ”, “độc đáo” của hình thức “cà phê đường tàu” đối với khách Tây và nhiều người trẻ ở trong nước.

Sự việc nói trên cho gợi ý về sự tự phát trong phát triển du lịch ở một số nơi. Hàng chục năm qua, người ta chứng kiến sự dịch chuyển một lượng khách du lịch đáng kể từ các trung tâm du lịch biển, các điểm đến di sản văn hóa và danh thắng nổi tiếng từ vùng thấp tới vùng cao. Khách du lịch quan tâm nhiều hơn đến khu vực miền núi thuộc các tỉnh phía Bắc cũng như miền Trung - Tây Nguyên không chỉ vì xu hướng muốn tận hưởng cảm giác hòa cùng thiên nhiên, sống xanh, mà còn bởi nhiều yếu tố “độc”, "lạ”, "khác thường" thu hút họ.

Sự thay đổi về điều kiện kinh tế và nhận thức của du khách cũng như sức ảnh hưởng từ xu hướng du lịch mới mẻ là cơ hội để nhiều loại hình du lịch phát triển, như đã thấy với sự lên ngôi của hình thức du lịch cộng đồng được cho là đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách, nhất là những người đã “chán biển” và cảm thấy gò bó trong bầu không khí đô thị ngột ngạt.

Chẳng hạn như ở Yên Bái, dù năm 2021 còn bị hạn chế bởi dịch Covid-19 nhưng gần 200 hộ gia đình làm dịch vụ du lịch cộng đồng vẫn có thể đón hơn 20.000 lượt khách. Tình hình ở Sơn La, Lào Cai, Quảng Bình... còn khả quan hơn nếu đơn thuần xét lượng khách lựa chọn loại hình du lịch này. Du khách tới khu vực miền núi phần lớn vì nhu cầu khám phá thay vì an nhàn nghỉ dưỡng. Học làm nông, sống cùng dân bản, tìm hiểu phong tục tập quán và khám phá thiên nhiên, tìm cảm hứng qua những yếu tố “độc”, “lạ” ở nghề truyền thống, trang phục, sản vật đặc trưng, điều kiện sống... Một số không ít tụng ca hình thức sống “không ti vi, không điều hòa nhiệt độ, không điện thoại, không bình nóng lạnh”.

“Cầu” đã thấy, ắt có “cung”. Số hộ gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng tăng nhanh chóng, kèm theo đó là sự phong phú về cách làm, bài bản có mà tự tung tự tác càng dễ thấy hơn. Nhận thức là cả một quá trình và ở giai đoạn hiện tại, không thiếu người coi sự thiếu tiện nghi cơ bản cũng là yếu tố “lạ” đủ tạo sức hút. "Có gì dùng nấy" có lẽ không phải là suy nghĩ của một, hai người. Nhiều chủ homestay vừa xây dựng vừa đón khách; không thiếu hộ gia đình thu vén vào một góc để cho khách có chỗ qua đêm...

Quan niệm “độc”, “lạ” như một thứ tài nguyên cần tận dụng có thể mang lại hệ lụy cho ngành Du lịch nếu vấn đề liên quan không được kiểm soát tốt. Mùa hè năm nay, một du khách ở Hà Nội đưa gia đình tới nghỉ ở tỉnh Hòa Bình, điểm đến là một homestay thuộc dạng “vừa chạy vừa xếp hàng”. Sau buổi “lội suối leo núi chụp ảnh với hoa” và màn tắm nước lạnh khi chiều xuống cho cảm giác phấn khích "lạnh run người" là một đêm hai cô con gái trở thành mồi ngon cho lũ muỗi rừng bởi phòng không có điều hòa mà cửa thì thông thống... “Tôi sẽ phải nghĩ lại một cách nghiêm túc” - người mẹ “tổng kết chuyến đi” trên mạng xã hội.

Du lịch Việt Nam đang có bước tiến dài về nhiều mặt, nhưng cũng xuất hiện nhiều tình huống cản trở sự phát triển chung. Với du lịch khám phá, du lịch cộng đồng, nỗi lo không chỉ là sự ảnh hưởng không có lợi đối với tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống, di sản vật thể..., mà còn là tác động không mong muốn đối với sức khỏe, sự an toàn của du khách. Trong bối cảnh đó, việc khai thác yếu tố “độc và lạ” trong phát triển du lịch cần phải được hiểu một cách đầy đủ hơn, với điểm dừng phụ thuộc hoàn toàn vào sự an toàn, sức khỏe của du khách, yêu cầu bảo vệ hình ảnh du lịch Việt Nam cũng như mục tiêu khiến khách quay trở lại và chi tiêu nhiều hơn.

"Người mẹ có con bị muỗi đốt” chắc sẽ không đưa gia đình quay trở lại homestay nọ. Khách tới những quán cà phê đường tàu liệu cũng có muốn quay trở lại để hít thở bầu không khí “thum thủm” quanh đường ray sau khi đã một lần tận hưởng “độc", "lạ”?... Hãy nghĩ tới điều đó trước khi tìm cách tận dụng "tiềm năng, lợi thế" theo ý hiểu có lúc thật tùy tiện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Độc'' và ''lạ'', không hẳn đã hay!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.