Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đọc “Đối thoại với hoa” của Nguyễn Thị Minh Thái

Đan Nhiễm| 02/01/2019 16:41

(HNMO) - PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái vừa trình làng cuốn sách thứ ba có tên gọi “Đối thoại với hoa”, do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành tháng 11-2018.


Vẫn trung thành với hướng viết “chân dung văn học và vấn đề văn hóa - văn chương - nghệ thuật”, thật khó xác định một thể loại nhất quán trong “Đối thoại với hoa”. Bởi trong đó có tiểu luận phê bình, phỏng vấn, trao đổi, có ký sự nhân vật, chân dung và cả hồi ức. Trong đó, đối thoại là mạch vừa “phát lộ” vừa ẩn tàng, làm sợi dây nối kết những trang văn: Đối thoại giữa tác giả, đồng thời là một nhà báo có tên tuổi, giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận; giữa người sáng tác và nhà phê bình, đồng thời là tự đối thoại ngay bên trong tâm thức của người cầm bút. Bạn đọc có thể gặp lại những tên tuổi gạo cội của nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà như: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Bính, Trần Quốc Vượng, Hà Thị Cầu, Lộng Chương, Nguyễn Thiện Đạo, Xuân Quỳnh, Lê Dung, Bế Kiến Quốc…; đến một lớp văn sĩ dày dạn kinh nghiệm sống: Hữu Ước, Lê Thiết Cương, Lê Khanh, Trần Lực…; và một lớp trẻ đang dần khẳng định mình, điển hình là đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh (sinh năm 1991).



“Đối thoại với hoa” dày 440 trang, được chia làm ba phần: Hoa và đối thoại, Vườn mới thêm hoa, Nét người nét hoa. Vẫn kiên trì đồng hành với đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà, dấu ấn văn học - báo chí - sân khấu là cái trục mà cuộc đời và nghề nghiệp của bà xoay quanh và để lại dấu ấn sâu đậm trong những trang viết. Nguyễn Thị Minh Thái không ngần ngại dấn bước vào những lĩnh vực đó, không chỉ để hiểu sự tương tác với kịch nói hiện đại mà còn để thỏa lòng đam mê nghệ thuật của mình và để hiểu sâu sắc hơn tâm hồn dân tộc. Bà cũng không bàng quan với những hiện tượng mới trong điện ảnh, hội họa, âm nhạc, múa… để làm tròn tư cách của một người mê mải dõi theo đời sống nghệ thuật đương đại của đất nước.

Điều đáng lưu ý, trong “Đối thoại với hoa”, tác giả có cách thay đổi điểm nhìn trong trang viết của mình khi cần thiết; nhìn trực diện vào sân khấu để nắm bắt toàn cảnh; ở hậu trường để nhìn thấy bếp núc của lao động nghệ thuật; lại có lúc đứng bên cạnh nhà văn, đạo diễn, nghệ sĩ, nghệ nhân để ghi nhận và sẻ chia tâm tình của họ trong chính sự sống đầy say mê với thế giới văn chương và sân khấu của chính bản thân.

Trong lời tựa cho cuốn sách, nhà phê bình Huỳnh Như Phương viết: “Đọc lại những bài viết của Nguyễn Thị Minh Thái được tập hợp trong cuốn sách dày dặn, có thể nói rằng, trong 4 thập niên gần đây, ở nước ta, hiếm có nhà phê bình nào đồng hành với đời sống văn hóa nghệ thuật một cách kiên trì và nhiệt tâm như thế. Nói riêng trên lĩnh vực sân khấu, ít có cây bút nào viết được nhiều và kỹ lưỡng như bà. Bà viết về công trình của những đạo diễn nổi tiếng, lẫn thử nghiệm nghệ thuật của những nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng; về sáng tác của một vài quan chức văn nghệ, lẫn những bài thơ và trang văn lóe sáng của những tài năng mới định hình…”.

Với tôi, một học trò có may mắn được PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái rèn giũa, kèm cặp từ thời sinh viên thấy nhận định trên là quá chính xác. Hơn nữa, nếu rõ hơn về cuộc sống, sức khỏe của tác giả những năm gần đây sẽ thấy đáng nể về sức chịu đựng, lòng quả cảm và sự cuồng nhiệt với công việc của tác giả tha thiết đến nhường nào. Dường như năng lực đi, viết, suy nghĩ, hành động và cháy hết mình chưa bao giờ vơi trong suy nghĩ của Nguyễn Thị Minh Thái. Đó là điều không phải ai cũng có thể làm được!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đọc “Đối thoại với hoa” của Nguyễn Thị Minh Thái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.