Theo dõi Báo Hànộimới trên

Độc đáo tượng Sơn Đồng

Bạch Thanh| 14/08/2011 07:33

(HNM) - Trong lúc nhiều làng nghề thủ công truyền thống ế ẩm, mai một, thì làng nghề điêu khắc gỗ Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn giữ được phong độ khá.

Ông đồ Vết.


Làng nghề nghìn năm tuổi
Tháng bảy âm lịch với những cơn mưa ngâu khiến nhiều cung đường ngoại ô ngập sâu trong nước. Chúng tôi đến Sơn Đồng trong một ngày mưa rả rích, lang thang qua những con ngõ nhỏ thấy nhà nào nhà ấy đều tất bật làm nghề. Anh Nguyễn Như Hải, cán bộ xã Sơn Đồng khoe: Sơn Đồng nhất thôn, nhất xã, với hơn 2.000 hộ, gần chục nghìn khẩu thì có tới 90% tham gia sản xuất làng nghề với hàng nghìn sản phẩm tượng phật, đồ thờ. Trong các xóm làm nghề thì nổi bật nhất là khu vực "Xóm ngã tư" với những biển hiệu sơn son thếp vàng gắn với tên tuổi của các nghệ nhân có tiếng trong làng, những sản phẩm ăn sâu trong thế giới tâm linh của người dân như những pho Adiđà, Di Lặc, thần tài, hoành phi câu đối…

Hiện nay, sản phẩm của làng chiếm trên 50% thị phần toàn quốc về tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc phủ màu hoàng kim, phục vụ đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Điều đáng nói là khách hàng cần đặt làm bất cứ pho tượng thờ nào thì người thợ nơi đây đều làm được ngay mà không cần đưa mẫu. Các pho tượng đều được thổi hồn qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ.

Và… ông giáo nghèo dạy chữ Hán Nôm
Sơn Đồng nổi tiếng với nghề làm hoành phi, câu đối. Đâu đâu cũng thấy chữ Hán, chữ Nôm trong các xưởng mộc. Chữ Hán có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển làng nghề, nhưng số người biết viết và hiểu nghĩa chữ Hán trong làng ngày càng ít. Từ đó, ông Nghiêm Quốc Đạt, người dân trong vùng thường gọi là ông đồ Vết, một người giỏi chữ Hán Nôm đã tình nguyện dạy chữ miễn phí cho con em trong và ngoài vùng. Dáng người dong dỏng cao, giản dị trong bộ quần áo nâu sồng, ông giáo Vết vốn dòng dõi Nho gia, ông nội là thầy đồ có tiếng. Không một ngày học trường sư phạm, nhưng ông Vết vẫn được người làng gọi là ông giáo, ông đồ. Ông giáo Vết nổi tiếng cả vùng, bởi ông là người duy nhất dạy chữ Hán Nôm ở đất Hoài Đức.

Ông Vết tâm sự: "Tôi mở lớp dạy Hán Nôm để dạy chữ, đồng thời để dạy đạo làm người cho các cháu". Lớp học Sao Khuê có lẽ là lớp học hiếm thấy với hình ảnh ông già tóc bạc cùng ngồi với trẻ tiểu học. Học trò cao tuổi năm nay đã 82, học trò tầm từ 10 đến 12 tuổi khá phổ biến. Khác nhau về lứa tuổi, những cô, cậu học trò chừng 14, 15 tuổi, đã biết bày mực tàu, giấy đỏ, nắn nót những chữ "Phúc", chữ "Thọ"... mừng tuổi ông bà, bố mẹ. Sau 5 năm hoạt động, đến giờ lớp Hán Nôm Sao Khuê đã có 420 môn sinh tốt nghiệp.

Nhiều người thợ làng Sơn Đồng làm nghề chạm chữ trên hoành phi, câu đối, trước đây chỉ nhận chạm chữ theo mẫu, nay tay nghề lên hẳn vì nét  chạm tinh tế hơn, lại biết giảng giải cho khách hàng ý nghĩa sâu sắc của câu đối... Nhìn vào ngôi nhà đơn sơ treo rất nhiều tranh thủy mặc, tranh chữ Hán, ai cũng phải thán phục một ông quản trường với mức lương 120.000 đồng/tháng, phải làm nghề bán chữ để kiếm sống như ông Vết lại có thể mở lớp dạy chữ miễn phí cho nhiều người. Và cũng có lẽ nhờ những người như ông giáo Vết mà tiếng thơm của làng nghề Sơn Đồng độc nhất vô nhị Hà thành giữ được tới hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo tượng Sơn Đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.