Theo dõi Báo Hànộimới trên

Độc đáo “Tết lại”

Bạch Thanh| 20/02/2011 08:29

(HNM) - Đầu xuân ấm áp, lất phất mưa bay trên đền Sóc. Từ mùng 4 tháng Giêng, nhiều xã của huyện Sóc Sơn lại rộn ràng chuẩn bị

\
Không khí đón xuân tại xã Mai Đình (Sóc Sơn).

Chúng tôi về xã Mai Đình đúng ngày thôn Thế Trạch ăn "Tết lại". Không khí nhộn nhịp khắp thôn xóm, giữa sân đình, tiếng quan họ dặt dìu, "người ơi, người ở, đừng về"… Đường làng bày bán đủ hoa quả, bánh kẹo, đồ chơi cho con trẻ; băng rôn, khẩu hiệu, cờ Tổ quốc đỏ rực. Chợ quê sầm uất, đông vui y như ngày áp Tết Nguyên đán. Người thôn Thế Trạch ăn "Tết lại" vào ngày 13 tháng Giêng, từ chiều hôm trước trong làng đã náo nức cờ bay, trống nhịp. Ngày "Tết lại" ở các thôn của Mai Đình cũng chính là ngày mở hội chùa. Dòng người nối nhau đi lễ, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Trong từng gia đình, ông bà, vợ chồng, con cái quây quần, sum họp. Họ ngồi thưởng thức miếng bánh chưng tự tay mình làm ra, tận hưởng cái thơm tho, dịu ngọt thấm đậm hương vị đồng quê. Người Mai Đình quanh năm cấy cày làm ra lúa gạo. Tấm bánh chưng xanh gói đủ cả hai hình: tròn và vuông tượng trưng cho trời đất chính là tấm lòng thành của họ kính cáo đất trời, tiên tổ.

Anh Đoàn Văn Thìn, cán bộ địa chính xã (nguyên là Trưởng thôn Hoàng Dương) cho biết 14 thôn của xã Mai Đình, thôn nào cũng ăn "Tết lại", có khi to hơn cả ngày Tết chính. Khách đến chúc Tết là giữ lại ăn cơm bằng được, nhà nào có nhiều người đến ăn "Tết lại" thì năm đó coi như có nhiều lộc.

Trên đoạn đường làng chỉ vài trăm mét có đến cả chục ô tô xếp hàng, mà theo giải thích của dân trong thôn thì đó toàn là xe của con cháu tranh thủ dịp "Tết lại" ngày rộng tháng dài về thăm quê hương, bố mẹ, họ hàng. Ngày thường làng quê thanh bình lắm, trong làng, trong xã chỉ toàn người già, phụ nữ, trẻ em... Bởi nhiều người, nhất là đàn ông trong độ tuổi lao động đều đi làm trong các khu công nghiệp, thanh niên đi học ở trung tâm thành phố. Nhưng cứ vào mỗi dịp "Tết lại", người làng đi làm ăn xa quê, có người ở tận Lâm Đồng, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh... cũng vượt cả nghìn cây số về đoàn tụ với gia đình, nên làng trên, xóm dưới đông vui, nhộn nhịp hẳn lên.

Rời thôn Thế Trạch, gặp chị Nguyễn Thị Mừng thôn Thái Phù bên ruộng gieo sạ, chị kể, thôn chị vừa ăn "Tết lại" ngày 10 tháng Giêng. "Tết lại" chỉ có 1 ngày nhưng vui lắm. Nhà ai cũng có khách, bạn bè vui nhộn nhịp. Chị Mừng bảo, ăn "Tết lại" ở Sóc Sơn muộn nhất là thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân, vào ngày 20 và 21 tháng Giêng. Chẳng biết tục này ở Sóc Sơn có từ bao giờ nhưng ai cũng háo hức chờ đợi. Cuộc sống người nông dân quanh năm lam lũ, chỉ khi Tết đến xuân về không khí lễ hội tràn ngập làng quê họ mới thấy mình được thanh thản, nhàn hạ một chút, để rồi sau "Tết lại" ra đồng sản xuất.

Theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái, trước khi tiến vào giải phóng Thăng Long, vua Quang Trung đã mở tiệc khao quân ở Tam Điệp. Hôm đó là ngày 30 Tết (25-1-1789) Kỷ Dậu. Rồi nhà vua bảo kín với các tướng rằng: "Ta với các ngươi hãy tạm sửa lễ ăn Tết Nguyên đán trước đã. Hẹn đến năm mới, mồng 7, thì vào thành Thăng Long, sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lời ta xem có đúng không?". Nhưng chỉ đến ngày mồng 5 Tết, vua Quang Trung đã tiến quân vào thành, giải phóng Kinh đô. Lại nói, trước đó, dân thành Thăng Long đã chuẩn bị ăn Tết với đầy đủ các thứ vật phẩm. Nhưng do phải chạy giặc Thanh, họ chỉ đem đi được rất ít, còn bánh chưng, phần lớn phải vứt xuống ao. Khi kinh thành được giải phóng, họ trở về và thử vớt bánh lên, thấy vẫn còn thơm ngon. Thì ra, tiết trời lạnh, nước ao lạnh nên bánh không bị hư hỏng. Dân chúng cảm tạ thần linh đã giúp vua Quang Trung giải phóng Kinh đô, cho họ được mở tiệc ăn Tết lại tại nhà. Từ đó, ở nhiều nơi, nhiều nhà tổ chức "ăn Tết lại". Hoặc tiện hơn là gói đợt bánh khác để ăn tới tận Rằm tháng Giêng, có khi tới tận cuối tháng Giêng, gọi tục "ăn Tết lại" là thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo “Tết lại”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.