(HNM) - Xã Phú Sơn, huyện Ba Vì có một ngôi làng cổ độc đáo - làng Phú Hữu. Độc đáo bởi ngôi làng này nằm vắt vẻo trên một quả đồi cao, để đến được trung tâm của làng phải qua những con dốc dựng đứng và độc đáo bởi trong làng còn khá nhiều nhà cổ.
Ngôi nhà cổ gần 200 năm tuổi của gia đình ông Chu Trương Chinh.
Con đường từ chợ Nhông đến thôn Phú Hữu quanh co, khúc khuỷu vừa qua mùa mưa, đất rửa trôi còn trơ lại đá lổn nhổn. Lấy hết can đảm vút ga băng qua hết con dốc dựng đứng này lại tiếp con dốc khác, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi đặt chân tới trung tâm làng Phú Hữu. Ông Phùng Tiến Tặng, cán bộ văn hóa xã Phú Sơn dẫn chúng tôi đi thăm nhà cổ giải thích: "Bây giờ nhà ở mặt đường to là quý, chứ ngày xưa chỉ những ngôi nhà ở giữa làng mới giá trị. Bởi vậy, những nhà giàu thường chọn tậu đất, làm nhà ở giữa làng".
Theo ông Tặng, chúng tôi đến thăm nhà cổ của ông Chu Trương Chinh, xóm Tả - ngôi nhà cổ nhất làng hiện nay. Trời đã về trưa, nắng thu vàng ruộm như mật ong trải khắp triền đồi mang theo cả cái hanh và bỏng rát. Vậy mà khi vào nhà ông Chinh đã thấy không khí dịu mát đi nhiều. Chủ nhân hồn hậu cho biết, theo gia phả để lại, nhà được làm từ năm 1831 do cụ Chu Bá Bằng vốn là một "trùm làng" xây dựng, đến ông Chinh là đời thứ 9. Nhà gồm 9 gian, dài gần 24m, xây bằng gạch đá ong, 4 góc nhà là 4 trụ cột, đầu đắp cao theo kiểu đèn lồng; khung nhà làm bằng gỗ xoan theo lối câu đầu lộn túi, 2 mái chồng giường, cột 6 hàng chân, 12 cánh cửa bức bàn vẫn còn nguyên vẹn. Đồ thờ tự bên trong gồm hoành phi, câu đối, bài vị… đều có từ thời xây dựng ngôi nhà này. Ông Chinh cho biết, gần 200 năm qua, ngôi nhà tổ tiên để lại đã che chở cho bao thế hệ trong gia đình ông.
Đối lập với những ngôi nhà to, khang trang bề thế được xây bằng đá ong, cột kèo bằng gỗ chạm trổ công phu là những ngôi nhà được xây bằng "gạch" đất. Men theo con đường làng quanh co, dốc lên dựng đứng vào làng, chúng tôi bắt gặp rất nhiều tường bao, cổng ngõ, chuồng lợn và cả nhà ở được xây bằng đất- Những thớ đất bình dị được đẽo gọt vuông vức. Thấy chúng tôi băn khoăn làm thế nào để những tấc đất vốn mềm yếu, dễ hòa tan bởi mưa gió lại có thể xây thành bức tường vững chãi, ông Chinh lý giải: "Xưa kia, thôn Phú Hữu rất nghèo. Chỉ một vài hộ giàu mới có tiền mua đá ong làm nhà còn những nhà nghèo phải luyện đất làm nhà thay gạch". Người dân cuốc đất vườn lên, trộn với nước nhào thật dẻo rồi xắn thành từng miếng. Các miếng đất này được đắp chồng lên nhau không cần bất cứ chất kết dính nào. Nhưng phải rất lâu mới xong được nhà bởi cứ đắp một hàng gạch lại mất một thời gian chờ đất khô rồi mới đắp hàng tiếp theo. Trải qua thời gian, mưa nắng, đất ngày càng cứng lại, tạo nên những bức tường vững chãi.
Băn khoăn bảo tồn
Ông Chu Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết, thôn Phú Hữu có 6 xóm với gần một nghìn nóc nhà đến nay vẫn còn giữ được 10 ngôi nhà cổ xây bằng đá ong, mái ngói, trong đó có những ngôi nhà đặc biệt giá trị niên đại gần 200 năm như nhà ông Chinh, bà Mộc, ông Hòa Tiến, cụ Ngọ… Còn những nhà, bếp, tường bao, cổng ngõ xây bằng đất thì rất nhiều… Trải qua năm tháng, nắng mưa nhiều ngôi nhà cổ đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngay như ngôi nhà cổ của ông Chu Trương Chinh, năm 1991 gia đình cũng đã sửa lại, từ 9 gian cắt bỏ 2 gian còn 7. "Mái nhà quá nặng, võng xuống, trong khi khung nhà bằng gỗ bị mối mọt nhiều, phải cắt bớt để giảm tải"- ông Chinh cho biết. Nhiều gia đình khác có nhà cổ trong thôn cũng phải sửa chữa lại cho phù hợp với nhu cầu sinh hoạt thời hiện đại. Trong đó phổ biến là thay thế nền gạch, thay cột gỗ, thay cửa bức bàn… Thậm chí, không ít hộ đã phá dỡ nhà cổ thay vào đó là ngôi nhà mới. Mới đây, ngôi nhà cổ của ông Chu Ngọc Hùng (anh em họ với ông Chinh) có cùng niên đại cũng đã tháo dỡ để làm nhà mới. "Ngôi nhà bên đó còn khá tốt, tôi tiếc lắm, nhưng khuyên mãi mà chẳng được"- ông Chinh ngậm ngùi.
Vẫn còn rất nhiều người dân thôn Phú Hữu quý những ngôi nhà cổ, song khó giữ lại. Nhiều người cho biết, ở nhà cổ tuy mát, đẹp nhưng bất tiện. Đơn giản như chuyện đảo ngói bây giờ là cả một vấn đề. Cũng giống như nhà cổ ở nhiều làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ, nhà cổ ở Phú Hữu lợp bằng ngói mũi hài, thứ ngói này khoảng mười năm là phải đảo lại một lần nếu không sẽ dột. Tuy nhiên, những người biết đảo ngói bây giờ rất hiếm. Phải khó khăn lắm mới đón được thợ. Đã vậy, ngày công lại cao. Tính ra, để đảo ngói xong một ngôi nhà cũng mất 2 ngày với 2-3 thợ, rẻ nhất cũng hết 1 triệu. Bên cạnh sự vắng bóng dần của những ngôi nhà cổ, kinh tế xã Phú Sơn ngày một khởi sắc, chẳng còn ai luyện đất để làm nhà nữa. Nhiều người có tiền đã xuống dưới chân đồi tậu đất làm nhà, ở gần đường to, tiện xe cộ, buôn bán chứ không muốn sống chênh vênh lưng chừng đồi nữa. Nhưng xóm nhà cổ và những bức tường đất còn lại trong thôn Phú Hữu vẫn được nhiều người gìn giữ như một nét đẹp trong văn hóa nông thôn của làng quê dưới chân núi Tản, sông Đà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.