(HNMCT) - Ẩm thực Đắk Nông là sự hội tụ của các dân tộc với những nét văn hóa đặc trưng, phong phú. Dưới đây là một số món ăn điển hình của các dân tộc sinh sống trên trên địa bàn tỉnh:
Rượu cần của người M’nông
Từ lâu, rượu cần đã gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của người M’nông và các dân tộc khác ở Đắk Nông. Đối với họ, đây là “thức uống của thần linh”, vì thế, rượu cần không thể thiếu khi đón khách quý hay trong các lễ hội và những dịp trọng đại. Văn hóa rượu cần còn hàm chứa tinh thần đoàn kết cộng đồng, tình yêu và khát vọng về cuộc sống hạnh phúc, no ấm... của các dân tộc ở Đắk Nông.
Rượu cần được nấu bằng men ủ từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như lá, rễ cây, vỏ cây rừng cùng gạo nếp cái hoa vàng, gạo lứt hay gạo do người dân tự trồng. Được sản xuất theo quy trình lên men tự nhiên, rượu cần thường được ủ từ 2 - 6 tháng để ngấu men hoàn toàn. Khi đó, rượu sẽ quánh lại như mật ong, có màu nâu vàng với hương vị thơm ngon đặc biệt.
Canh thụt của người M’nông và Mạ
Là món ăn đậm chất núi rừng Tây Nguyên, nguyên liệu chính gồm đọt mây, bép, cà đắng, cây môn nước và ớt. Ngoài ra, người ta có thể cho thêm cá khô, sườn heo hoặc nấm mối... để tạo thành các món khác nhau. Đặc biệt, khi nấu canh thụt, người ta cho tất cả nguyên liệu nói trên vào một ống lồ ô có lóng dài, đặt ống trên bếp củi và quay tròn để nguyên liệu chín đều. Khi gần được, người ta dùng một chiếc que có chiều dài bằng ống để thụt cho các nguyên liệu bên trong nhuyễn, sánh đặc và thoát hết hơi nước ra ngoài, rồi đổ ra bát và thưởng thức.
Gà xào măng chua của người Mạ
Người Mạ ở Đắk Nông có món ăn truyền thống đặc trưng là thịt gà xào măng chua. Người ta thường chọn loại gà rừng nuôi hoặc gà ta thả vườn, gà tre để chế biến. Sau khi mổ sạch, gà được chặt thành từng miếng nhỏ và ướp với muối, bột ngọt, nghệ, ớt chín giã. Măng để xào với gà phải là măng chua đã được ngâm trước đó khoảng 2 tuần. Trước khi nấu, người ta vắt măng khô, sau đó cho vào trộn đều cùng thịt gà đã ướp rồi xào. Sau 30 - 45 phút, thịt gà chín mềm, măng chua tỏa mùi thơm thì bắc xuống và rắc thêm ít tiêu rừng đã giã để món ăn thơm ngon hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.