(HNMO)- Trần Hoàng Tiến - một cây bút năng nổ của Báo Quân đội Nhân dân vừa cho ra mắt cuốn bút ký “Vầng hoa lửa”. Anh muốn tác phẩm là món quà văn hóa dâng tặng Thủ đô – quê hương thứ hai của anh, hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
(HNMO)- Trần Hoàng Tiến - một cây bút năng nổ của Báo Quân đội Nhân dân vừa cho ra mắt cuốn bút ký “Vầng hoa lửa”. Anh muốn tác phẩm là món quà văn hóa dâng tặng Thủ đô – quê hương thứ hai của anh, hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Đây là cuốn sách đầu tiên gồm những bài ký chân dung đặc sắc nhất trong số hàng trăm những bài ký do Trần Hoàng Tiến viết trong cuộc đời làm báo của mình, và do chính tác giả kỳ công tự biên soạn, NXB Quân đội nhân dân ấn bản và phát hành. Lúc đầu cuốn sách có tên là “Nhân chứng và những câu chuyện đặc biệt”, rồi “Những Pa-ven của Hà Nội” và cuối cùng anh thấy tâm huyết với cái tên “Vầng hoa lửa”.
Nhân vật trong bút ký của Trần Hoàng Tiến thường là những con người, những sự kiện đã cũ, có thể có người đã biết, hoặc chưa biết, nhưng dưới ngòi bút của Trần Hoàng Tiến, dường như nó đều được hâm nóng, bởi thực chất là ký chân dung nhưng đậm chất phóng sự. Nhân vật trong các bài ký có thể là vị tướng lừng danh, một doanh nhân, nhà quản lý có tên tuổi, có thể là một cựu chiến binh, một thanh niên xung phong, hay một họa sĩ, kỹ sư, thậm chí là một nông dân vùng quê xa tít tắp…
Nhưng trong mỗi con người như thế, lại được Trần Hoàng Tiến khai thác đến tận thẳm sâu trong từng chiều kích để dựng lên những bức chân dung rất có hồn. Trong mấy chục chân dung mà anh gom lại, phần đông là những người gốc gác Hà Nội, hoặc công tác ở Hà Nội.
Độc giả sẽ rất xúc động khi được biết vị tướng lừng danh như Lê Trọng Tấn lại có lúc rơi những giọt nước mắt mặn mòi khi kết thúc mỗi trận đánh. Hay bị hút vào câu chuyện của Đại tá Nguyễn Văn Châu về “Nhiệm vụ đặc biệt ở 75A” bảo quản thi hài Bác Hồ từ những ngày đầu Bác đi xa; hoặc là những chuyện nghề, chuyện đời vừa “vĩ mô” như việc xác lập mô hình kinh tế thời kì đầu đổi mới, những ưu tư, trăn trở về sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, vừa “vi mô” như việc bếp núc, gia đình của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Câu chuyện rất ít người biết đến về nỗi oan suốt 41 năm và mối tình “sét đánh” với người con gái Hà Nội của Thượng tướng Nguyễn Hữu An; Đến câu chuyện có phần hơi “thần bí” của ông Giám đốc bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị tù đày…và cũng có khi đọc xong lại muốn ghi ngay cái địa chỉ của một “thầy lang” giỏi chữa bệnh bằng bài thuốc nam gia truyền… Mỗi một nhân vật trong tác phẩm ký của Trần Hoàng Tiến đều để lại những ấn tượng bởi họ vừa thật bình thường như ta vẫn gặp, nhưng lại có nhiều điều sâu kín chưa biết mà ta muốn khám phá…
Đọc tập bút ký – phóng sự “Vầng hoa lửa” của Trần Hoàng Tiến, độc giả sẽ có cảm giác như mình đang được bước vào một cuộc triển lãm tranh chân dung người Hà Nội. Mỗi bức được anh vẽ bằng những nét cọ khi thì uyển chuyển mềm mại, lúc lại mạnh mẽ đằm sâu, mỗi bức đều có phông, có nền, rồi tạo điểm nhấn để khiến người đọc không bị nhàm chán, bão hòa. Ở tuổi ngoài “băm”, cuốn sách đầu tay này chắc hẳn sẽ là “cú hích” để Trần Hoàng Tiến vững vàng, tự tin bước tiếp trên con đường viết báo và làm báo còn đang thênh thang phía trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.