(HNMO) - Đánh giá về tình hình thị trường trong nước 4 tháng qua, Bộ Công Thương hôm nay (5-5) cho biết, thị trường hàng hóa ổn định, cung cầu hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, được bảo đảm. Doanh thu bán lẻ hàng hóa một số địa phương tăng từ 7% đến gần 15%.
Cụ thể, thị trường các mặt hàng thiết yếu trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 không có biến động. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, dịch bệnh, mùa vụ… nhưng cơ bản, cung cầu các mặt hàng được bảo đảm; giá có sự tăng, giảm đan xen đối với từng nhóm hàng. Thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả, thực phẩm dồi dào.
Nguồn cung mặt hàng xăng dầu đầy đủ, giá trong nước có xu hướng tăng, giảm đan xen do chịu tác động của giá thế giới.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%). Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,8% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 109,4%.
Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,4%). Trong đó, các địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao, như Bình Định tăng 14,7%; Đồng Nai tăng 12,9%; Bình Dương tăng 12,2%; Cần Thơ và Thanh Hóa cùng tăng 11,4%; Hải Phòng tăng 10,0%; Quảng Ninh tăng 9,5%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 9,1%; Hà Nội tăng 9,0%; Đà Nẵng tăng 7,2%... Thị trường hàng hóa khá sôi động.
Tuy nhiên, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định: “Sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Các chính sách hỗ trợ về tín dụng, lãi suất, giảm thuế, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp đi vào thực thi nhưng sẽ có độ trễ nhất định. Sự hồi phục chậm của thị trường bất động sản, giải ngân vốn đầu tư thấp sẽ tác động đến tiêu thụ của một số ngành sản xuất”.
Để tiếp tục phát triển mạnh thị trường trong nước làm trụ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng; tăng chi tiêu Chính phủ; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử; thực hiện hiệu quả chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.