(HNMO) - Sau nhiều tháng kinh doanh ảm đạm, tình hình thị trường máy tính cá nhân toàn cầu diễn biến xấu chưa từng có.
Số liệu của các hãng phân tích thị trường, trong đó có Canalys và IDC, đều ghi nhận doanh số giảm mạnh khoảng 1/3 trong quý đầu năm. Trên toàn cầu, người tiêu dùng đã mua sắm khoảng 54 triệu máy tính các loại.
Đây là mức lao dốc mạnh hơn so với dự đoán của giới chuyên môn và là quý suy giảm hai con số thứ tư liên tiếp so với cùng kỳ năm trước đó. Trong đó, lượng máy tính xách tay bán ra giảm 34%, máy tính để bàn giảm khoảng 28% so với quý I-2022, tương ứng đạt doanh số 41,8 triệu máy và 12,1 triệu máy.
Điều đáng nói là trong giai đoạn này, không một thương hiệu nào “lội ngược dòng”. HP - đứng ở vị trí thứ hai về lượng máy bán ra - cũng chứng kiến doanh số suy giảm tới 24%, đạt 12 triệu máy các loại.
Trong khi đó, doanh số của Apple - ở vị trí thứ tư - giảm mạnh nhất, tới hơn 40%, chỉ đạt 4 triệu máy. Các tên tuổi lớn khác như Asus, Dell hay Lenovo đều giảm trung bình khoảng 30%. Trong đó, Dell lần đầu kể từ quý I-2018 bán ra ít hơn 10 triệu máy.
Theo các nhà phân tích, lý do khiến thị trường máy tính quý đầu năm 2023 lao dốc không có gì mới. Thứ nhất là việc người tiêu dùng ngần ngại đầu tư cho máy tính cá nhân trong bối cảnh kinh tế vẫn nhiều bất ổn trong khi lạm phát tăng mạnh. Thứ hai, nhu cầu làm việc từ xa đang suy giảm dần trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hầu như đã được kiểm soát hiệu quả. Thứ ba, người tiêu dùng trong giai đoạn giãn cách đã được trang bị khá tốt, và thời điểm này không có nhu cầu "lên đời" máy tính. Cùng với đó, sức mua yếu trong giai đoạn nghỉ lễ năm mới cũng là một lý do.
Riêng với máy tính Apple, các ý kiến cho rằng do dải sản phẩm với giá bán cao khiến nhóm này càng trở nên dễ tổn thương trước những diễn biến tiêu cực của các nền kinh tế. Dù vậy, việc có thể tự chủ hầu hết các linh kiện đã giúp “Táo” chống chọi trước khó khăn tốt hơn rất nhiều các thương hiệu sản xuất máy tính Windows.
Nhìn về tương lai, các nhà phân tích tỏ ra lạc quan. Canalys tin rằng thị trường máy tính cá nhân đã vượt qua giai đoạn u ám nhất, và sẽ khởi sắc trong quý II-2023. Động lực phát triển chính trong giai đoạn tới được cho sẽ là máy tính Chromebook và các hệ thống sử dụng Windows 11 được mua sắm trong giai đoạn dịch Covid-19 (năm 2020-2021) đều đã tới chu kỳ nâng cấp.
Về phần mình, IDC đã chỉ ra, việc thị trường chững lại là “cơ hội vàng” để các nhà sản xuất rảnh tay tái cơ cấu dây chuyền sản xuất - điều mà họ đã nỗ lực thực hiện trong suốt năm qua.
Tuy nhiên, hầu hết các quan điểm đều cảnh giác trước viễn cảnh khó khăn kinh tế có thể kéo dài sang năm 2024. Dù việc thị trường lao dốc khó tiếp diễn, nhưng các nhà sản xuất máy tính được cho là sẽ tiếp tục duy trì các chiến thuật an toàn, ưu tiên những sản phẩm ăn khách hơn là mạnh dạn đầu tư cho những thiết kế đột phá, mạo hiểm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.