Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nhân người Việt tại Ba Lan: Những đóng góp miệt mài

Khánh Vân| 14/09/2014 06:24

(HNM) - Nói đến sự thành đạt về kinh tế của người Việt ở Ba Lan, người ta thường liên tưởng đến hàng chục trung tâm mua bán hàng may mặc, với cả nghìn cửa hàng đầu mối ở các thành phố lớn và cửa khẩu.

Các chị em trong đoàn may Uniow ở thành phố Lodz (Ba Lan) tại buổi gặp mặt ngày 9-9.


Quần áo và giày dép được người Việt nhập khẩu vào Ba Lan rồi phân phối đi khắp nơi, tạo ra một mạng lưới thương mại quan trọng trong nền kinh tế thị trường của nước này. Đây là điều mà các nhóm di dân khác, thậm chí ngay cả chính người Ba Lan cũng không thể làm được và luôn được đề cao mỗi khi nhắc đến sự thành công của dân nhập cư người Việt. Điều khiến người ta bất ngờ hơn là vai trò then chốt của 164 phụ nữ Việt Nam từ đoàn may Uniow ở thành phố Lodz. Đúng 25 năm sau lần đầu tiên đặt chân lên đất Ba Lan, ngày 9-9 vừa qua họ đã tổ chức gặp mặt. Như lời mở đầu cuộc gặp gỡ của bà Trịnh Vân Hải: "Chúng ta có thể tự hào là những người đầu tiên mở ra con đường làm ăn sinh sống cho chính mình và cho cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Thời điểm xuống đường mua bán hàng hóa là thời khắc quan trọng để chị em chúng ta vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống. Vốn liếng ban đầu của chị em thật là khiêm tốn, chỉ là đôi bàn tay cần cù, khéo léo, lòng dũng cảm, tính năng động và sức trẻ của tuổi mười tám, đôi mươi". Để minh họa cho điều đó, bà Kim Dung diễn lại cảnh ôm khăn quấn áo kimono vừa đứng nhảy lò cò cho khỏi lạnh vừa rao hàng - điểm khởi đầu để trở thành một nữ doanh nhân thành đạt hôm nay. "25 năm qua, chúng ta đã gặt hái được những thành công thật kỳ diệu. Thuở ban đầu buôn bán, quầy hàng chỉ là chiếc giường bạt, tấm ni lông trải ra giữa đất trời giá lạnh. Bây giờ quầy hàng của chị em rộng từ 50 đến vài trăm mét vuông, đầy đủ tiện nghi, bày bán rất nhiều mặt hàng phong phú. Có chị em còn sở hữu nhiều cổ phần ở các trung tâm thương mại, hoặc sở hữu cả một trung tâm buôn bán đồ sộ" - bà Vân Hải điểm lại.

Cách đây 25 năm, 164 nữ công nhân may sang Ba Lan theo hợp đồng lao động xuất khẩu cho một công ty may. Trước đó và cả về sau này Ba Lan không có công nhân lao động hợp tác người Việt Nam như các nước Đông Âu khác là Đức, Liên Xô, Tiệp Khắc... Vì thế đây là nhóm người Việt đông nhất sống tập trung, buôn bán ở các chợ phiên của Ba Lan thời khan hiếm hàng hóa khi chuyển đổi nền kinh tế. "Nối gót" họ là các nhóm sinh viên và nghiên cứu sinh cùng gia đình ở các thành phố lớn của Ba Lan, dần dần hội nhập và nhanh chóng xây dựng một hệ thống mua bán hàng hóa, đóng góp vào nền kinh tế năng động của đất nước này. Và hôm nay họ đã trở thành những nữ doanh nhân thành công, làm chủ cửa hàng, có vốn đầu tư cả ở Việt Nam, là đầu mối cho nhiều người thân, bà con làng xóm sang Ba Lan lập nghiệp.

Nhìn lại những năm tháng qua, những người phụ nữ thành đạt luôn tự hào mỗi khi tổ chức họp mặt. Thế nhưng lịch sử cũng có nhiều góc khuất mà không phải ai cũng muốn chia sẻ. Từ chuyện hợp pháp thủ tục giấy tờ cư trú, cho đến thuế doanh nghiệp và hệ thống thanh toán, hay ngay cả xuất xứ ban đầu của hợp đồng lao động nước ngoài... Có lẽ đó cũng là lý do khiến câu chuyện về những ngày đầu tiên trong lịch sử cộng đồng người Việt ở Ba Lan không được chính thức nhắc tới và quên lãng dần trong ký ức. Người ta thường nhắc tới các hội đoàn người Việt do các nhóm sinh viên và nghiên cứu sinh xây dựng, do họ dễ dàng tiếp xúc với truyền thông Ba Lan và có kinh nghiệm tổ chức.

Đến Ba Lan hôm nay chúng ta thấy nhiều khu chợ bán buôn của người Việt mà tại thành phố Lodz cũng có một điểm. Hệ thống mua bán lan tỏa đi khắp các tỉnh và sang cả các nước phía đông, cũng như bắt rễ từ rất xa như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Việt Nam. Người Việt ở Ba Lan cũng rất nhanh nhạy với các thay đổi của thị trường và hệ thống hàng hóa thế giới. Sau một giai đoạn chỉ chuyên phân phối hàng nhập khẩu, hiện nay khu vực chợ Việt ở Wolka Kosowska có thêm khu may gia công, đủ sức sản xuất hàng tại chỗ để xuất đi. Một lần nữa cộng đồng người Việt cần cù lại dần thay đổi cơ cấu nghề nghiệp. Nếu những thợ may ở Uniow năm xưa nỗ lực chuyển sang làm người bán hàng và doanh nhân xuất nhập khẩu, thì nhiều doanh nhân Việt nay lại trở về với nghề thợ may với thu nhập ổn định và lợi nhuận cao hơn. Một loạt các tiệm đồ ăn Việt cùng Thái Lan và Nhật Bản cũng đang được các doanh nhân người Việt đầu tư trên các con phố lớn, bên cạnh chuỗi ẩm thực Việt truyền thống. Hơn một chục tiệm nail (sửa móng tay) cũng đang được mở ra quanh các khu thương mại lớn ở thủ đô Vácsava…

Thế hệ trẻ người Việt Nam tại Ba Lan hôm nay cũng quan tâm nhiều hơn đến bản sắc dân tộc của mình và thế mạnh của một cộng đồng nhập cư trong kinh doanh. Một giai đoạn mới cho quá trình phát triển kinh tế của cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã bắt đầu, nhưng trong thành công hôm nay có sự đóng góp tần tảo của thế hệ đã tới đây từ 1/4 thế kỷ trước, trong đó có những người phụ nữ của "Đoàn may Lodz" năm nào. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nhân người Việt tại Ba Lan: Những đóng góp miệt mài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.