(HNM) - Đã nhiều năm nay, việc chung tay góp sức cùng cộng đồng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với những người nghèo, những số phận không may mắn đã trở thành việc làm thường xuyên của ông Vũ Đình Tiến - Giám đốc Công ty cổ phần Eron (chuyên sản xuất chăn, ga, gối, đệm) có trụ sở tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm.
Vốn là con nhà nghèo lại trưởng thành trong khó nhọc nên khi trở thành chủ doanh nghiệp, ông Tiến cảm thông sâu sắc với người nghèo và những hoàn cảnh đặc biệt. Với suy nghĩ nếu cho tiền người nghèo hoặc người có hoàn cảnh đặc biệt mà không có phương pháp phù hợp, hướng dẫn cụ thể thì "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống" nên ông thường quan tâm giúp người lao động nghèo có việc làm phù hợp, tạo cho họ chiếc "cần câu" để có cuộc sống ổn định. Hằng năm, ông thường mở lớp dạy nghề miễn phí và tạo việc làm cho từ 20 đến 60 lao động ở địa phương. Và không dừng lại ở đó, năm 2009, ông đã cùng cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm trực tiếp tới thăm nhiều hộ nghèo ở xã Kiêu Kỵ, Đa Tốn và thị trấn Trâu Quỳ tìm hiểu hoàn cảnh, tìm biện pháp giúp đỡ. Khi đến nhà chị Cao Thị Mai ở thôn Hoàng Xá, xã Kiêu Kỵ thấy 4 cặp vợ chồng chung sống trên mảnh đất khoảng 100m2 quá trật hẹp, chồng chị Mai sức khỏe yếu không làm được việc nặng, thu nhập chỉ trông vào vài sào ruộng khoán trong khi 2 con lại đang tuổi ăn tuổi lớn nên ông rất thương. Nắm bắt được nguyện vọng của chị Mai muốn được trợ vốn bằng máy may công nghiệp để làm thêm, ông Tiến đã tìm mua máy may loại tốt chuyển xuống tận gia đình, rồi tạo việc làm. Nhờ sự giúp đỡ thiết thực này, hơn một năm qua, mỗi tháng gia đình chị Mai có thêm thu nhập từ 1 đến 2 triệu đồng từ may gia công nên cuộc sống đã ổn định hơn. Hay như gia đình chị Đinh Thị Thủy ở thôn Kiêu Kỵ. Mặc dù có nghề may nhưng không có tiền mua máy nên 2 mẹ con nhận làm thêm "hàng quỳ" cho một số hộ trong thôn, nhưng do thu nhập từ nghề này quá thấp nên cái nghèo, cái khó cứ đeo bám mãi. Sau khi được ông Tiến trợ vốn bằng máy may chuyên dụng, ước mơ làm nghề may của chị Thủy thành hiện thực. Bằng việc nhận may hàng gia công cho các ông chủ trong làng, nay gia đình chị Thủy đã đủ ăn, có tiền cho con cái học hành…
Hơn một năm qua, ông Tiến đã tặng 15 chiếc máy may chuyên dụng và hỗ trợ vốn chăn nuôi cho hàng chục hộ nghèo ở Gia Lâm và tỉnh Nam Định tạo điều kiện thuận lợi để các hộ thoát nghèo vươn lên. Không chỉ giúp hộ nghèo, từ năm 2006 đến nay, ông Tiến còn giúp đỡ những người có quá khứ lầm lỗi, trong đó có cả người từng nghiện ma túy vào làm việc tại các phân xưởng nhằm giúp họ vượt qua lầm lỗi, trở lại cuộc sống bình thường.
Không giấu niềm vui và sự cảm phục về lòng nhân ái, bao dung của ông Tiến, anh N.K.T. xúc động: "Có lẽ cuộc đời của tôi đã bỏ đi nếu không gặp được người như ông Tiến" và anh cho biết, lúc mới được công ty nhận vào làm việc anh rất tự ty vì luôn bị ám ảnh bởi quá khứ của mình nhưng anh đã được ông Tiến động viên, giúp đỡ coi như người thân nên đã vượt mọi khó khăn để từ bỏ hẳn ma túy. Cũng giống như anh N.K.T., 2/3 đối tượng có liên quan tới ma túy khác được ông Tiến nhận vào công ty làm việc cũng đã cai nghiện thành công hiện đã xây dựng gia đình, có cuộc sống hạnh phúc.
Mặc dù so với nhiều doanh nghiệp khác, doanh nghiệp của ông Tiến còn nhỏ nhưng với tâm huyết và trách nhiệm vì cộng đồng, ông đã có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả mang lại niềm vui cho nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt. Điều này thật đáng trân trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.