Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với quy định chống phá rừng của EU:Không để “nước đến chân mới nhảy”

Lam Giang 20/08/2024 - 06:21

Đến ngày 31-12-2024, quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức có hiệu lực, đồng nghĩa chỉ những sản phẩm không gây phá rừng và hợp pháp mới được nhập khẩu vào thị trường này.

Đây là lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng, có kế hoạch tuân thủ và hành động ngay, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.

pha-rung.jpg
Ba mặt hàng là gỗ, cao su và cà phê nằm trong phạm vi điều chỉnh quy định của EU về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng. Trong ảnh: Khai thác mủ cao su tại Nông trường Cao su Đồng Phú (Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam). Ảnh: TTXVN

Ngành hàng gỗ, cao su và cà phê chịu ảnh hưởng

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), quy định của EU về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng (gọi tắt là EUDR) được ban hành tháng 6-2023, với mục tiêu không nhập khẩu, tiêu thụ các sản phẩm và hàng hóa gây mất rừng, suy thoái rừng. EUDR được đề xuất nhằm vào những mặt hàng có tác động lớn đến nạn phá rừng, như cà phê, ca cao, đậu nành, dầu cọ, gia súc, gỗ và sản phẩm gỗ…

Theo đó, các doanh nghiệp phải chứng minh hàng hóa không được sản xuất trên bất kỳ vùng đất nào bị phá rừng hoặc bị suy thoái sau ngày 31-12-2020. Trong 7 nhóm mặt hàng bị cấm nhập khẩu vào EU do quá trình sản xuất gây mất rừng, Việt Nam có 3 nhóm ngành bị tác động chính, đó là gỗ, cao su và cà phê (kim ngạch xuất khẩu 3 mặt hàng này sang EU mỗi năm trên 2,5 tỷ USD).

Ông Hoàng Thành, đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam chỉ rõ, từ ngày 31-12-2024, quy định này bắt đầu áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức; từ ngày 30-6-2025 áp dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chỉ những sản phẩm đáp ứng cả hai điều kiện là không gây phá rừng và hợp pháp mới được nhập khẩu vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ EU. Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa nghiêm ngặt đến tận thửa đất, lô rừng nơi hàng hóa đó được sản xuất.

Đánh giá thách thức từ EUDR, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Đinh Sỹ Minh Lăng nêu: Trước hết, thủ tục truy xuất nguồn gốc và chứng nhận EUDR khiến chi phí xuất khẩu sang EU tăng, có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hàng hóa của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh dẫn tới mất thị phần bởi đối thủ đã sẵn sàng cho việc tuân thủ đầy đủ EUDR. Việc khó xác định vùng trồng hợp pháp cũng ảnh hưởng đến kết quả đánh giá và phân loại rủi ro theo quốc gia, vùng sản xuất.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào trong chuỗi cung ứng cà phê, gỗ, cao su khá khó khăn do thương lái phức tạp, nhiều tầng nấc.

Cần hành động ngay

Vì EUDR nhằm vào những mặt hàng có tác động lớn đến nạn phá rừng nên về lâu dài các doanh nghiệp cần tính đến bài toán quy hoạch vùng nguyên liệu.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thương mại dịch vụ du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông (huyện Phú Xuyên) Đỗ Thị Kim Thông cho biết, để tuân thủ quy định EUDR, doanh nghiệp đã chọn trồng nguyên liệu hoàn toàn trên đất nông nghiệp. "Chúng tôi không quay về đất rừng mà lấy đất nông nghiệp để trồng ngay tại huyện Phú Xuyên và tại các tỉnh: Hòa Bình, Lai Châu và Sơn La", bà Đỗ Thị Kim Thông nói.

Trong khi đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam đề xuất Bộ NN&PTNT ban hành tài liệu kỹ thuật hướng dẫn cho các ngành hàng bị ảnh hưởng, trong đó có ngành cao su, để có kế hoạch thích ứng kịp thời. Cùng với đó, hiệp hội cũng đề nghị Nhà nước nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực hộ tiểu điền cao su trong việc thích ứng với EUDR, đặc biệt là về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc.

Các chuyên gia cho rằng, khi thời hạn triển khai EUDR và nhiều quy định khắt khe khác của EU đã đến gần, doanh nghiệp cần hành động ngay, có kế hoạch điều chỉnh hoạt động sản xuất, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Việc tuân thủ và tận dụng tốt EURD sẽ đem đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, xây dựng uy tín, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Đối tác có chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, nguồn nguyên liệu hợp pháp, chất lượng là sự lựa chọn ưu tiên với bạn hàng châu Âu.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ quy định, các tiêu chí cần tuân thủ của EUDR dù các cơ quan chức năng đã tích cực phổ biến quy định này, do đó cần nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa. Ông Hoàng Thành, đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, EU sẽ dành khoản hỗ trợ cho các nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) đào tạo, nâng cao năng lực, nhận thức, chia sẻ thông tin trong việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa cho doanh nghiệp, lập trang web hoặc nhóm doanh nghiệp và các đối tượng liên quan để cập nhật tài liệu về EUDR và các tiêu chuẩn xanh khác của EU.

“Cần ban hành chính sách, hướng dẫn cụ thể để tạo chỗ dựa tin cậy, thiết lập điểm hỏi - đáp để phản ứng kịp thời với những thiếu hụt thông tin của doanh nghiệp. Cùng với đó, khảo sát, đánh giá thực lực doanh nghiệp nhằm có sự hỗ trợ cần thiết từ Nhà nước, hiệp hội và đối tác”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng bày tỏ quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với quy định chống phá rừng của EU: Không để “nước đến chân mới nhảy”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.