Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp viễn thông vượt khó ''hậu Covid''

Việt Nga| 23/08/2022 08:11

(HNM) - Tăng trưởng doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 của doanh nghiệp viễn thông tiếp tục chững lại. Điều này cho thấy các nhà mạng cần tiếp tục tiến hành các giải pháp vượt khó “hậu Covid” để những tháng cuối năm, viễn thông khởi sắc trở lại.

Kỹ sư Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam kiểm tra hệ thống mạng 5G. Ảnh: VNPT

Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, doanh thu hợp nhất đạt 26.828 tỷ đồng; doanh thu công ty mẹ đạt 50% kế hoạch năm và bằng 103,2%, trong đó doanh thu dịch vụ tăng 4%, lợi nhuận đạt 3.577 tỷ đồng. VNPT nộp ngân sách nhà nước 2.451 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt 58,7% kế hoạch năm.

Với Tổng công ty Viễn thông MobiFone, được biết, doanh thu có giảm so với cùng kỳ, song lợi nhuận tăng 6%. Đáng chú ý, trong cơ cấu doanh thu, nhóm dịch vụ hạ tầng số (thoại, tin nhắn, data) tăng trưởng mức khá.

Tăng trưởng của nhà mạng bị chững lại không còn là thông tin mới, nhất là trong vòng 4-5 năm trở lại đây. Điều này một mặt cho thấy nhà mạng chịu sức ép suy giảm tăng trưởng doanh thu các dịch vụ viễn thông truyền thống từ sự cạnh tranh quyết liệt của dịch vụ OTT (giải pháp cung cấp nội dung như hình ảnh, tin nhắn, gọi điện cho người dùng dựa vào Internet). Mặt khác, việc này cũng cho thấy quá trình vượt thách thức trong thời gian gần đây đã, đang chịu tác động sâu sắc từ đại dịch toàn cầu Covid-19. Rõ nhất là thấy tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận của VNPT, MobiFone (chỉ lợi nhuận) chỉ dừng lại ở mức 1 con số. Hoặc như Viettel, có tăng trưởng cao nhất trong số 3 nhà mạng với lợi nhuận tăng trưởng 2 con số (21,7%), tăng trưởng doanh thu dịch vụ là 2 con số (11,6%) nhưng tăng trưởng doanh thu chung cả Tập đoàn chỉ là 6,6%.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm, mặc dù những tác động trực tiếp từ dịch Covid-19 đã không còn ảnh hưởng nặng nề như năm 2021, tuy nhiên nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn chịu các hệ lụy gián tiếp từ dịch bệnh. Điều này đã tác động không nhỏ đến mục tiêu doanh thu, lợi nhuận trong năm 2022 của Tập đoàn. Ngoài ra, các tác động trực tiếp từ tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu, tình trạng thiếu chíp bán dẫn, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, trong khi giá dịch vụ giảm cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Tương tự, Phó Tổng Giám đốc MobiFone Bùi Sơn Nam cũng cho biết thêm, trong bối cảnh dịch bệnh, người dân, doanh nghiệp thắt chặt tiêu dùng nên tăng trưởng doanh thu dịch vụ truyền thống suy giảm. Dịch vụ dữ liệu (data) có tăng trưởng lưu lượng cao, nhưng giá lại cạnh tranh và giảm liên tục; nhóm dịch vụ nội dung số có tăng trưởng cao nhưng tỷ trọng còn nhỏ… là những nguyên nhân khiến nhà mạng có kết quả kinh doanh không thuận lợi.

Về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới, lãnh đạo Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT tập trung vào các giải pháp: Tăng doanh thu, giảm chi phí; tích cực triển khai các hoạt động đầu tư phục vụ sản xuất, kinh doanh; bảo đảm chất lượng mạng di động; nâng cao tốc độ, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, tích hợp dịch vụ với công nghệ mới, xây dựng nền tảng để cung cấp dịch vụ số; tăng cường áp dụng có hiệu quả các phương pháp quản trị hiện đại trong toàn chuỗi giá trị của Tập đoàn.

Với MobiFone, một trong những giải pháp được nhà mạng này đề xuất là đề nghị cơ quan quản lý tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp phép băng tần dành cho 4G và coi đó là một biện pháp giúp doanh nghiệp viễn thông tăng trưởng doanh thu. “Có nhiều thời điểm, tại một số khu vực, lưu lượng 4G của MobiFone tăng mạnh, dẫn đến tình trạng nghẽn, vượt tải của hệ thống. Chúng tôi đã, đang áp dụng, huy động các biện pháp kỹ thuật xử lý, dồn dịch băng tần đã có, song nếu tiếp tục chậm có băng tần cho 4G, rất khó khăn cho việc kinh doanh của nhà mạng. Vì vậy, MobiFone mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông sớm cấp phép băng tần 4G cho nhà mạng!”, Phó Tổng Giám đốc MobiFone Bùi Sơn Nam chia sẻ.

Còn theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng, năm 2022 là năm thứ 3 Viettel tuyên bố chuyển dịch thành công một công ty công nghệ, công ty cung cấp dịch vụ số và sẽ tiếp tục tiên phong trong việc tận dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ nhu cầu của người dân cũng như sự thịnh vượng của đất nước. Viettel tiếp tục mục tiêu trở thành doanh nghiệp số 1 về an ninh mạng, về các sản phẩm chuyển đổi số để xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; giữ vững vị trí số 1 về viễn thông dẫn đầu thị phần thuê bao di động và internet cáp quang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp viễn thông vượt khó ''hậu Covid''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.