Xã hội

Doanh nghiệp viễn thông ngăn chặn tín dụng đen

Việt Nga 30/08/2023 - 06:09

Trước vấn nạn tín dụng đen “hoành hành”, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg, ngày 24-8-2023, tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen. Thực hiện chỉ đạo này, ngành Viễn thông đã triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp.

vien-thong.jpg
Nhân viên VinaPhone Hà Nội thực hiện chuẩn hóa thông tin cho khách hàng tại Phòng giao dịch 97 đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa).

Gần 128 triệu thuê bao di động được xác thực

Xác định căn nguyên phải định danh khách hàng, xóa bỏ tình trạng sim không chính chủ giúp đối tượng xấu thực hiện các hành vi lừa đảo trên không gian mạng, ngay sau khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào khai thác, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn doanh nghiệp viễn thông di động triển khai kết nối, xác thực giữa Cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của nhà mạng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đến nay các nhà mạng đã hoàn thành xác thực hơn 127,85 triệu thuê bao di động với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm chuẩn hóa thông tin theo quy định. Cũng trong đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao (từ tháng 3 đến tháng 5-2023), có khoảng 985.000 thuê bao (chiếm 25,79%) chưa thực hiện chuẩn hóa đã bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông, thu hồi số thuê bao.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các sở thông tin và truyền thông thanh tra diện rộng về quản lý thông tin thuê bao trong năm 2023 nhằm xử lý nghiêm các vi phạm của nhà mạng nếu để tình trạng một thuê bao có nhiều sim sai quy định và các cá nhân đã cố tình đăng ký nhiều sim.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “làm sạch” 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia và phục vụ cho nhiều hoạt động nghiệp vụ khác. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm, dịch vụ. Nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID...

Đẩy mạnh đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Theo Cục Viễn thông, trong thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông, internet đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn lừa đảo trực tuyến, như cảnh báo trên các phương tiện truyền thông, gửi tin nhắn đến khách hàng hướng dẫn đối phó với các tin nhắn “lạ”, cuộc gọi “lạ”…

Về phía các doanh nghiệp, đại diện Tổng công ty Viễn thông VNPT VinaPhone (thuộc Tập đoàn VNPT) cho biết, VinaPhone đang quy hoạch lại toàn bộ gói cước, để hạn chế việc dùng sim thay thẻ. Thực hiện quy hoạch lại kênh bán, hướng đến việc triển khai bán hàng qua các kênh nhân viên của VNPT. Cùng với đó, VinaPhone áp dụng biện pháp kỹ thuật như nhận diện cuộc gọi “rác” spam (có sự đánh giá của khách hàng) và thực hiện ngăn chặn khi phát hiện nguy cơ...

Đại diện Tổng công ty Viễn thông Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel) cho biết, việc ngăn chặn sim “rác” là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Viettel đang nỗ lực cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai. Bên cạnh việc triển khai đối soát Cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đang hoạt động với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Viettel cũng đã chủ động đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ các nhà mạng làm việc với đơn vị của Bộ Công an để triển khai hoạt động đối soát trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với tất cả thuê bao phát triển mới. Chỉ những thuê bao nào có kết quả đối soát đúng mới được phép đăng ký thông tin và kích hoạt thành công. Đồng thời, Viettel cũng đề xuất để triển khai giải pháp eKYC (định danh và xác thực khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ để xác thực danh tính của khách hàng giữa ảnh chụp chân dung của khách hàng, ảnh chụp giấy tờ tùy thân của khách hàng so khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) để bảo đảm thuê bao chính danh, chính chủ.

Trao đổi với Báo Hànộimới vào chiều 29-8, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các thuê bao internet, thuê bao di động, loại bỏ ngay các sim “rác” không để các đối tượng lợi dụng hoạt động “tín dụng đen”.

Cục cũng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ đó rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao. Hiện các nhà mạng triển khai các biện pháp (thông báo, nhắn tin, tổ chức làm việc với các thuê bao; rà soát, làm rõ mục đích sử dụng, tạm dừng dịch vụ) với mục tiêu bảo đảm thông tin thuê bao trùng khớp với thông tin của người sử dụng sim đối với các thuê bao đang sở hữu, sử dụng. Đặc biệt, Cục Viễn thông tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Công an để có các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp viễn thông ngăn chặn tín dụng đen

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.