(HNMO) - Tổng doanh thu 158.000 tỷ đồng, tăng 2,4%; đóng góp 1.050 tỷ đồng cho Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19; gửi hơn 12 tỷ bản tin tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống dịch... là những kết quả nổi bật mà các doanh nghiệp viễn thông đạt được trong 6 tháng đầu năm nay. Những nỗ lực này là kết quả của việc bám sát chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện “mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế - xã hội...
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, như các lĩnh vực cung ứng dịch vụ khác, các doanh nghiệp viễn thông cũng chịu nhiều ảnh hưởng, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song, các doanh nghiệp viễn thông đã tích cực, chủ động nghiên cứu, triển khai nhiều biện pháp nỗ lực vượt khó, bám sát “mục tiêu kép” đã được Chính phủ đề ra vừa chống dịch, vừa phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cũng như định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, phục vụ chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Nhờ đó, tổng doanh thu hoạt động viễn thông 6 tháng đầu năm 2021 đạt 158.000 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,3%); riêng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt gần 66.500 tỷ đồng, tăng 5%. Số thuê bao điện thoại di động duy trì ở mức 123,03 triệu, tăng 0,09%; tỷ lệ thuê bao băng rộng có sự tăng tốc ấn tượng khi số thuê bao băng rộng di động đạt 68,08 triệu, tăng 5,78% và số thuê bao băng rộng cố định đạt 18,18 triệu, tăng tới 14,65%.
Cùng với đó các doanh nghiệp viễn thông cũng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch Covid -19 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid -19 cũng như của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó, 3 doanh nghiệp viễn thông (Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội - Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông - VNPT, Tổng công ty Viễn thông MobiFone) đã đóng góp 1.050 tỷ đồng cho Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19.
Các nhà cung cấp dịch vụ di động (Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile...) đã thực hiện hơn 40 đợt nhắn tin với hơn 12 tỷ bản tin (gồm tin nhắn đã quy đổi) nhằm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cũng như tham gia hỗ trợ các địa phương trong vùng dịch (thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang...).
Các nhà mạng trên cũng thực hiện việc cài đặt âm thông báo cho thuê bao di động nhằm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên phạm vi toàn quốc cũng như tại một số địa phương trong vùng dịch (thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương...). Đồng thời, hai doanh nghiệp Viettel, VNPT đã kết nối gần 9.000 camera giám sát tại hơn 700 cơ sở cách ly của 60 tỉnh, thành trong cả nước; trong đó, chỉ trong vòng 5 ngày (từ ngày 22 đến 26-5), cả Viettel, VNPT đã triển khai kết nối hơn 1.300 camera tại 130 điểm cách ly tại tỉnh Bắc Giang...
Đáng chú ý, các nhà mạng triển khai các hệ thống tiếp nhận tin nhắn ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ. Tính đến hết ngày 17-7, sau hơn 1 tháng triển khai, cổng 1408 đã tiếp nhận hơn 2,5 triệu tin nhắn ủng hộ, tương ứng với gần 114 tỷ đồng.
Ngoài ra, quán triệt phương châm phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ là 5K+ vắc xin + công nghệ, các doanh nghiệp viễn thông đã đẩy mạnh phát triển các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động phòng, chống dịch cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội. Tiêu biểu như nền tảng quản lý tiêm chủng phòng Covid-19 quốc gia, trang và ứng dụng "Sức khỏe Việt Nam", tờ khai y tế; bản đồ dịch bệnh, sổ sức khỏe điện tử và các phần mềm học tập, khám, chữa bệnh, làm việc từ xa...
Đánh giá về vai trò của doanh nghiệp viễn thông trong thời gian qua, Cục Viễn thông nhấn mạnh, các kết quả đạt được không chỉ thể hiện vai trò, tinh thần trách nhiệm của toàn bộ doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông trước xã hội, mà còn là sự nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành, của đất nước để hiện thực hóa khát vọng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.