(HNM) - Hiệp hội Vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam tiếp tục kiến nghị Nhà nước có chính sách kích cầu, sử dụng VLXD trong nước thay thế nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) sản xuất VLXD trong nước.
Từ năm 2011 đến nay, do chính sách kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công, dự án bất động sản tạm dừng, nhiều công trình xây dựng không có vốn để triển khai… nên nhu cầu sử dụng VLXD giảm đáng kể. Cùng với đó, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất ngân hàng, giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất VLXD tăng cao (như than tăng 2,8 lần so với năm 2008, điện tăng 1,45 lần so với năm 2009) đã khiến cho chi phí tài chính tăng 20-30%, vốn lưu động thiếu, DN phải giảm sản lượng, thậm chí ngừng sản xuất; sản lượng hàng tồn kho lớn. Điển hình như ngành xi măng, theo quy hoạch đến năm 2011 có thêm 8 dự án, với tổng công suất khoảng 7 triệu tấn/năm đưa vào vận hành, nhưng thực tế chỉ có 4 dự án hoàn thành, với công suất thiết kế 3,5 triệu tấn/năm. Năm 2012, tình hình không khả quan hơn, trong số 8 dự án, với công suất 7,5 triệu tấn xi măng/năm dự kiến đưa vào vận hành theo quy hoạch, chỉ có hai dự án, công suất 1,26 triệu tấn được triển khai. Còn lại đều dừng đầu tư trước tình hình thiếu vốn, tiêu thụ khó khăn, tổng sản lượng dư thừa ước tính lên tới 10 triệu tấn. Bi đát không kém, lượng hàng tồn kho của ngành gốm sứ xây dựng từ đầu năm 2012 đến nay tăng lên tới 20% sản lượng (tính cả lượng hàng tồn kho lũy kế tại các đơn vị sản xuất và lượng hàng tồn không tiêu thụ được tại các đại lý). Cụ thể, sản lượng gạch ốp lát tồn khoảng 40 triệu mét vuông, trong khi sứ vệ sinh tồn khoảng 1 triệu sản phẩm, tổng giá trị tương đương 3.000 tỷ đồng. Toàn ngành này hiện chỉ khai thác khoảng 50-60% công suất thiết kế do tình trạng ế ẩm liên tiếp nhiều tháng qua. Với sản phẩm VLXD không nung, một phần do mới được đưa ra thị trường, mặt khác lại đúng lúc dự án xây dựng đình, hoãn nên hầu hết các dây chuyền đưa vào khai thác với tỷ lệ 10-20% công suất thiết kế, nhưng lượng hàng tiêu thụ cũng chỉ đạt 60-80%.
Sản xuất xi măng, một trong những ngành gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Ảnh: Bá Hoạt |
Đáng chú ý, trong khi tiêu thụ nội địa giảm, xuất khẩu loay hoay tìm thị trường, thì sản phẩm VLXD nội lại phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) thậm chí cả những chủng loại mà hàng nội không thua kém, thậm chí hơn hẳn về chất lượng, mẫu mã. Sản xuất thủy tinh, kính xây dựng là ví dụ, nhiều năm nay, Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam liên tiếp đưa ra cảnh báo về tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh của sản phẩm nhập ngoại; đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng lập hàng rào kỹ thuật ngăn chặn. Nhưng, trong khi hàng tồn kho lớn, nhiều dây chuyền ngừng hoạt động thì kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2011 vẫn lên tới 115 triệu USD, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu VLXD nói chung. Tương tự, với sản phẩm đá ốp lát, theo thống kê của Hiệp hội VLXD Việt Nam, 50% trong số 2.000 cơ sở lớn, nhỏ khắp cả nước đã phải ngừng hoạt động do tình hình tiêu thụ trong nước giảm sút, thị trường xuất khẩu thu hẹp, lại phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đã vậy, việc cấp phép khai thác tràn lan không đúng đối tượng, thậm chí không đủ năng lực; cấp phép ở những nơi tỷ lệ thu hồi đá khối thấp, chỉ đạt 15-30%, tàn phá môi trường nghiêm trọng, diễn ra tại nhiều địa phương. Riêng chủng loại đá hoa trắng, sau 3 năm triển khai quy hoạch khai thác khoáng sản, các địa phương đã cấp gần 100 giấy phép hoạt động, với công suất khai thác vượt cả công suất quy hoạch được duyệt. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cơ quan quản lý trong việc lập quy hoạch, song có thể thấy rõ ràng vai trò mờ nhạt của cơ quan quản lý trong thực hiện quy hoạch, để xảy ra việc nhập khẩu tràn lan gây lãng phí ngoại tệ; hàng lậu bóp chết sản xuất trong nước; đầu tư kiểu "trăm hoa đua nở", mạnh ai nấy làm.
Làm việc với Bộ Xây dựng, Hội VLXD Việt Nam đã đưa ra hàng loạt kiến nghị quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất VLXD trong nước. Thứ nhất, Bộ Xây dựng cùng các địa phương rà soát, chỉ đạo xây dựng phương án phát triển VLXD bám sát quy hoạch ngành, thu hẹp sự "vênh" rất lớn giữa quy hoạch toàn quốc với quy hoạch tại địa phương. Riêng xi măng, không đầu tư dự án nhỏ dưới 2.500 tấn clinke/ngày, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường để tập trung vốn cho những dự án hiệu quả. Thứ hai, Nhà nước có chính sách kích cầu, sử dụng VLXD trong nước, hạn chế tối đa nhập khẩu, đặc biệt là dự án tổng thầu EPC nước ngoài, dự án sử dụng vốn đầu tư trực tiếp (FDI), dự án cao cấp do nhà thầu nước ngoài thiết kế. Một giải pháp kích cầu nữa là quyết liệt, đẩy nhanh việc sử dụng xi măng xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, sân bãi khu công nghiệp…). Giải pháp này đã được thí điểm hàng chục năm nay và giờ là lúc triển khai đại trà. Thứ ba, giao Hiệp hội Xi măng Việt Nam họp bàn với 8 DN xuất khẩu xi măng hợp tác, xây dựng chiến lược xuất khẩu hiệu quả thay vì cạnh tranh, để đối tác nước ngoài ép giá, ảnh hưởng đến hiệu quả chung. Với nhập khẩu, bổ sung hàng rào kỹ thuật, hạn chế nhập khẩu VLXD dư thừa, chống nhập lậu, gian lận thương mại; kiểm tra chặt xuất xứ sản phẩm gồm cả VLXD theo gói EPC; xây dựng chương trình xuất khẩu VLXD, khai thác tiềm năng to lớn của ngành (năm 2015 có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, năm 2020 đạt 1,5 đến 2 tỷ USD).
Ngoài các giải pháp "căn cơ" giải quyết vấn đề cốt lõi, Bộ Xây dựng và Hội VLXD cũng cho rằng, trước mắt cần kiến nghị cho khoanh nợ, giãn nợ các khoản vay đầu tư; tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn lãi suất hợp lý để sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.