(HNM) - Đến nay, dù hết thời hạn của Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh đưa ra cho các doanh nghiệp vận tải hành khách (DNVTHK) tuyến cố định và taxi về việc điều chỉnh lại giá cước do giá xăng dầu xuống thấp kỷ lục nhưng tình trạng chây ỳ vẫn diễn ra.
Doanh nghiệp vận tải giảm giá cước chưa tương xứng sau 4 lần giá nhiên liệu giảm sâu |
Theo Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, chậm nhất ngày 23-2 vừa qua, các DNVTHK taxi buộc phải nộp biểu giá cước kê khai mới về Sở Tài chính, tuy nhiên, vào thời hạn chót vẫn còn 3 DN chưa kê khai. Thậm chí, 49 DNVTHK tuyến cố định phải kê khai lại giá cước vào hạn chót là ngày 19-2, nhưng đến một tuần sau đó còn 19 đơn vị "ngó lơ" với yêu cầu này.
Trước tình trạng trên, Thanh tra Sở Tài chính đã phải xuống trực tiếp các bến xe lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh "truy" từng DN chây ỳ. Điều đáng nói, trong quá trình làm việc vẫn còn 7/28 DN có xe tuyến cố định hoạt động tại Bến xe Miền Đông chưa kê khai giảm cước như: Hạnh, Phượng Hoàng, Liên Hưng, Cúc Tùng... Còn tại Bến xe Miền Tây, trong số 26 DN thì có đến 8 đơn vị lực lượng Thanh tra Sở Tài chính phải mời vào làm việc mới chịu kê khai lại như: Hoàng Quân, Nguyệt, Ba Châu, Phương Trang… Thậm chí, các DN còn đưa ra nhiều lý do khác nhau để trì hoãn việc giảm cước.
Bà Nguyễn Mậu Phương Quỳnh, Phó ban Vật giá (Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh): Đối với DNVTHK thì mức giảm phải phù hợp với cơ cấu giá thành, còn nếu giảm không phù hợp thì sẽ buộc phải giải trình. Hiện Sở Tài chính cũng đang bắt buộc một số DN phải giải trình cụ thể do giảm giá thành chưa phù hợp. Trường hợp các đơn vị này không tuân thủ sẽ xử phạt theo quy định. |
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện một số DN còn lại đang hoàn tất thủ tục đăng ký giảm giá cước trong những ngày tới. Còn theo bà Nguyễn Mậu Phương Quỳnh, Phó ban Vật giá (Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh), nhiều DN không kê khai nại lý do là chưa nhận được công văn yêu cầu của Sở Tài chính nên xin thêm thời gian để điều chỉnh. Tuy nhiên, những lý do này chưa chính xác.
Ông Tạ Long Hỷ cho biết thêm, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25% trong cơ cấu giá thành, trong khi với 4 lần giảm giá nhiên liệu trên thì giảm khoảng 15% so với thời điểm cuối năm 2015. Chiếu theo cơ cấu trên thì giá cước taxi giảm khoảng 2-3% là hợp lý. Chưa kể, chi phí khác lại tăng khiến giá cước khó có thể giảm hơn nữa. Cụ thể, lương tối thiểu vùng tăng làm tăng chi phí của DN thêm khoảng 13% (tương ứng làm tăng 6% chi phí trong giá cước). Mặt khác, mỗi lần điều chỉnh giá cước, chi phí DN bỏ ra khoảng 200.000 đồng/xe. Với những DN lên đến hàng nghìn xe taxi như VinaSun, Mai Linh… thì mỗi lần điều chỉnh giá cước tốn cả tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo phân tích của luật sư Thái Văn Chung, Trưởng Văn phòng luật Nguyên Giáp (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), mức giảm giá cước của các DNVTHK chưa tương xứng so với giảm giá nhiên liệu. Cụ thể, với việc giảm 15% giá xăng thì ít nhất các DN này phải giảm từ 5% cước trở lên. Luật sư Thái Văn Chung cho rằng, ở đây, cơ quan nhà nước đóng vai trò quyết định, thế nên, cần phải điều tiết để tăng, giảm phù hợp và bảo đảm lợi ích cho ba bên là người tiêu dùng, DNVTHK và Nhà nước.
TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - cho rằng, khi giá nhiên liệu tăng thì giá cước tăng rất nhanh nhưng khi giảm thì giá cước giảm vừa chậm, vừa nhỏ giọt. Rõ ràng, đây là biểu hiện của sự không minh bạch trong nền kinh tế thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.