(HNM) - Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm có hàng nghìn vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm hàng nghìn người lao động (NLĐ) bị thương hoặc tử vong. Ngoài ra có hàng chục nghìn NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp (BNN).
Việc khắc phục hậu quả các vụ TNLĐ cũng như BNN chưa thỏa đáng khiến quyền lợi của NLĐ bị vi phạm. Để cải thiện vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam đang thiết lập Quỹ bồi thường TNLĐ&BNN.
Quy định chưa thỏa đáng
Số liệu từ BHXH Việt Nam cho thấy, số tiền tồn dư từ nguồn này đang rất lớn. Cụ thể, trong năm 2008, số tiền được trích ra là 1.540,513 tỷ đồng nhưng số chi cho các trường hợp bị TNLĐ&BNN chỉ có 155 tỷ đồng. Năm 2009, số tiền được trích ra là 1.850,568 tỷ đồng nhưng cũng chỉ chi hết 160 tỷ đồng (chỉ có 378 người được giải quyết chế độ trong tổng số 30.000 người bị TNLĐ & BNN).
Người lao động sẽ được hưởng khoản tiền hỗ trợ trích từ các khoản BHXH, BHYT mà họ vẫn phải đóng hàng tháng nếu bị TNLĐ hoặc BNN. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục BHYT tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Linh Tâm |
Có sự chênh lệch quá lớn này là do những quy định phức tạp khiến đơn vị thực hiện chi trả rất khó. Ông Vũ Như Văn, quyền Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, chính vì những quy định phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp không khai báo. Thay vào đó, các doanh nghiệp đã tìm cách sa thải NLĐ bị TNLĐ&BNN. Theo quy định, NLĐ bị TNLĐ hoặc BNN phải điều trị trong bệnh viện, doanh nghiệp phải ứng trước tất cả chi phí để chi trả. Sau đó, NLĐ phải nộp giấy ra viện hoặc giấy khám bệnh cho doanh nghiệp để doanh nghiệp lập hồ sơ giới thiệu NLĐ ra Hội đồng Giám định y khoa để giám định mức suy giảm khả năng lao động. Sau đó, doanh nghiệp mới lập hồ sơ và làm văn bản đề nghị giải quyết các chế độ BNN gửi cho cơ quan BHXH giải quyết để trả lại tiền tạm ứng cho doanh nghiệp. Thủ tục đã rườm rà, số tiền được hỗ trợ lại ít, không đủ chữa bệnh lâu dài nên hầu hết NLĐ đã tự xoay sở, khiến nguồn này tồn dư khá lớn trong nhiều năm qua.
Người lao động có thể tự khai báo
Theo ông Vũ Như Văn, hiện nay Bộ LĐ-TB&XH đang xúc tiến thành lập Quỹ bồi thường TNLĐ&BNN. Quỹ hướng vào việc tập trung về một mối việc chi trả bồi thường, chi phí điều trị cho những lao động bị TNLĐ&BNN. Khi NLĐ bị tai nạn hoặc mắc BNN, doanh nghiệp chỉ cần thông báo đến cơ quan quản lý quỹ, cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho NLĐ tất cả những gì mà hiện nay doanh nghiệp đang phải chi trả theo quy định: chi phí khám chữa bệnh, bồi thường, trợ cấp, phục hồi chức năng... Trong trường hợp doanh nghiệp không báo thì NLĐ cũng được phép báo với quỹ để được hưởng quyền lợi. Như vậy các vụ TNLĐ và mắc BNN sẽ được quản lý tốt hơn.
Quỹ bồi thường TNLĐ&BNN có hướng bắt buộc doanh nghiệp đóng tiền vào quỹ ngay từ khi đăng ký hoạt động kinh doanh theo mức độ rủi do của công việc, dự kiến từ 0,01% đến 2% tổng quỹ lương. Ngoài ra quỹ này sẽ còn dùng để chi phòng ngừa tai nạn cho NLĐ tại các doanh nghiệp.
Một vấn đề rất quan trọng của việc gây quỹ cũng như tạo niềm tin cho người đóng góp là cơ cấu thu, chi, chế tài... Ông Vũ Như Văn cho biết, cơ cấu này đã được xây dựng với các chế tài xử phạt nghiêm khắc. Đối với những doanh nghiệp không tham gia quỹ thì khi xảy ra TNLĐ và đối với những NLĐ được xác định là mắc BNN, doanh nghiệp phải chi trả tất cả những khoản phí theo quy định của Bộ luật Lao động. Như vậy, doanh nghiệp không được phép sa thải NLĐ khi họ bị TNLĐ&BNN mà còn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đưa họ đi điều trị, khám chữa bệnh... Nếu lao động đang trong thời kỳ điều trị, doanh nghiệp không được phép sa thải. Cũng theo ông Vũ Như Văn, ở một số nước, khi có TNLĐ hoặc BNN, các bệnh viện sẽ báo đến cơ quan quản lý quỹ để được trả tiền điều trị. Mô hình này hiện nay đang được các bệnh viện ủng hộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.