(HNMO) - Trong bối cảnh xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ và châu Âu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đang tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN.
Thị trường nhiều tiềm năng
Số liệu khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, có 57,7% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng thị trường tiêu thụ giảm mạnh. Có 47,2% doanh nghiệp khẳng định hàng hóa sản xuất ra mà không xuất khẩu được. Để giải quyết khó khăn xuất khẩu sản phẩm thì việc mở rộng thị trường đang là hướng đi của các doanh nghiệp.
Trước đây, thị trường ASEAN vốn ít được doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nói riêng quan tâm, bởi có các đối thủ mạnh như Thái Lan, Philippines chiếm lĩnh, nhưng Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để mở rộng xuất khẩu.
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, nhận định, hiện tại có 3 nước ASEAN nhập khẩu nhiều hàng Việt Nam nhất là Indonesia, Thái Lan, Philippines.
Còn ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Hiện xuất khẩu Việt Nam chỉ tăng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Còn đối với doanh nghiệp nhỏ, xuất khẩu khó khăn. Trong bối cảnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu gặp khó, nếu doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thị trường ASEAN cũng là phương án tốt cho việc mở rộng, tránh lệ thuộc vào thị trường cố định”.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Phụ trách phát triển kinh doanh Công ty TNHH Đũa tre Ngọc Châu (thành phố Hồ Chí Minh), cho biết: “Trước kia, bình quân mỗi tháng, công ty xuất khẩu một xe container qua thị trường Mỹ, nhưng nửa đầu năm 2020, chúng tôi gặp khó vì đối tác giảm mua. Để xoay chuyển, công ty đang tiến hành đẩy mạnh xuất khẩu sang Singapore và một số nước trong khu vực ASEAN”.
Theo khảo sát của Sở Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nước ASEAN vẫn có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Cụ thể như Thái Lan, muốn nhập trái cây sấy khô, Indonesia và Philippines có hạ tầng viễn thông không phát triển bằng Việt Nam nên có nhu cầu nhập khẩu máy phát điện, máy bơm nước, điện da dụng, viễn thông…
Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của thành phố Hồ Chí Minh đang chú trọng xuất khẩu sang các nước ASEAN. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 1 tỷ USD gạo sang ASEAN. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam hạn chế xuất khẩu gạo thì các nước ASEAN đều quan tâm, muốn Việt Nam nối lại xuất khẩu gạo.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nhận định, mặt hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu qua ASEAN tăng trưởng tới 69% trong năm 2019, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh.
Với mặt hàng tôm, cá tra, Thái Lan hiện là nước nhập khẩu cá tra của Việt Nam lớn nhất trong khu vực ASEAN. Tại thị trường Singapore, mặt hàng tôm của Việt Nam đang chiếm ưu thế, dù phải cạnh tranh với tôm từ Thái Lan, Philippines.
Những lưu ý dành cho doanh nghiệp
Dù đã đạt được những kết quả ban đầu khả quan trong khai thác thị trường ASEAN thời gian qua, nhưng Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, các doanh nghiệp của thành phố cần chú trọng hơn tới việc gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiều hàng hóa Việt Nam đi ASEAN sử dụng công nghệ cũ, chỉ phù hợp xuất qua thị trường Lào, Campuchia, Myanmar. Trong khi tại các thị trường có sức mua lớn như Thái Lan, Singapore..., hàng Việt Nam chưa thực sự chiếm ưu thế.
“Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường ASEAN, doanh nghiệp thành phố cần xem lại vấn đề chất lượng hàng hóa”, ông Phạm Thành Kiên nói.
Còn ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hội nhập kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, ASEAN đông dân, với đời sống của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Vấn đề còn lại là tự thân mỗi doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động, sáng tạo nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng.
Ông Phạm Bình An nói: “Nếu doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh không liên tục thay đổi để làm mới sản phẩm chiếm lĩnh thị trường, cũng có nghĩa là bị tụt hậu, bị đào thải”.
Đồng tình với những quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T (thành phố Hồ Chí Minh), cho biết, khó khăn trong xuất khẩu cũng chính là động lực để doanh nghiệp mở rộng thị trường, sẵn sàng cạnh tranh.
“ASEAN là một thị trường đa dạng, nhiều hứa hẹn, giúp doanh nghiệp không bị phụ thuộc nhiều vào một thị trường như trước đây”, ông Nguyễn Đình Tùng nhận định.
Bà Lê Thị Mai Anh, Trưởng phòng Đông Nam Á, Nam Á và Hợp tác khu vực, Vụ thị trường châu Á - châu Phi, khẳng định: “Trong công tác mở rộng thị trường, chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu mở rộng thị trường, tiếp tục tham gia hoạt động xúc tiến thương mại. Ngay khi dịch Covid-19 tại các nước ASEAN tạm lắng, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại đến các nước ASEAN”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.