Trong 5 hạng mục hàng đầu chung của toàn khu vực về “rủi ro trong môi trường đầu tư” của toàn khu vực thì Việt Nam đã tăng 4 điểm so với năm ngoái, cho thấy môi trường đầu tư đang xấu đi.
Ảnh minh họa. |
Kết quả khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản ( JETRO ) công bố ngày 23/2 cho thấy, trong 5 hạng mục hàng đầu chung của toàn khu vực về “rủi ro trong môi trường đầu tư” của toàn khu vực thì Việt Nam đã tăng 4 điểm so với năm ngoái, cho thấy môi trường đầu tư đang xấu đi.
Trên 60% số doanh nghiệp chỉ ra vấn đề rủi ro về “hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch” khiến Việt Nam rơi và vị trí thứ 3 về độ rủi ro trong 15 quốc gia.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng các văn bản pháp luật không được nghiên cứu trước khi xây dựng, khiến nội dung xa rời thực tế, ví dụ như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp sửa đổi.
Ngoài ra, nội dung văn bản pháp luật không rõ ràng dẫn tới vận dụng không thống nhất. Ví dụ như việc giải thích luật giữa các bộ ngành, địa phương, cán bộ phụ trách không giống nhau; quyền hạn hành chính lớn dễ dẫn đến hành vi tiêu cực của cán bộ; việc ban hành luật chậm trễ, công việc thực hiện bị tồn đọng.
Bên cạnh đó, hơn một nửa số doanh nghiệp chỉ ra vấn đề rủi ro là “chi phí nhân công tăng cao”, “thủ tục hành chính phức tạp”, “chính sách, thủ tục thuế phức tạp”.
Đối với các thủ tục hành chính, doanh nghiệp Nhật Bản phàn nàn về việc phải nộp nhiều loại lệ phí không chính thức (phí hải quan, phòng cháy chữa cháy, môi trường, công an...); thời gian thẩm tra không rõ ràng (thay đổi giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục xin giấy phép lao động); quá nhiều thủ tục phải đăng ký (Luật doanh nghiệp sửa đổi).
Liên quan đến các khó khăn trong hoạt động kinh doanh, Việt Nam vẫn thuộc tỷ lệ cao khi có 80% doanh nghiệp đưa ra vấn đề về “lương cho nhân viên sở tại tăng”, và 65% doanh nghiệp cho biết gặp “khó khăn trong thu mua nguyên vật liệu, linh kiện tại nước sở tại”.
Điều này là dễ hiểu vì theo kết quả khảo sát của JETRO, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam trong khối chế tạo đạt 32,1% trong năm 2015, giảm 1,1% điểm so với năm 2014. Tỷ lệ này chỉ cao hơn Philippines (26,2%), nhưng thấp hơn so với Trung Quốc (65%), Thái Lan (56%), Indonesia (41%), Malaysia (36%).
So sánh giữa khu vực miền Bắc và khu vực miền Nam thì tỷ lệ ở khu vực miền Nam (47,3%) cao hơn ở miền Bắc (32%). Tỷ lệ cung ứng từ doanh nghiệp nước ngoài khác không phải Việt Nam hay Nhật Bản vẫn còn cao.
“Để nâng cao năng lực cạnh tranh về chi phí, Việt Nam cần tăng cường thu mua từ các doanh nghiệp trong nước”, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội nhấn mạnh tại buổi họp báo.
Trước thềm Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời, các công ty Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam kỳ vọng lớn nhất vào việc các thủ tục hải quan sẽ được đơn giản hóa, với 64% doanh nghiệp cho biết.
Những mục tiêu tiếp theo được kỳ vọng là thuế nhập khẩu được dỡ bỏ, chính sách thuế thông thoáng hơn và việc vận dụng – giải thích quy tắc nguồn gốc xuất xứ được thống nhất.
Tương tự đối với Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), kỳ vọng về “thuận lợi hóa trong thương mại và thuế quan” chiếm 66%, tỷ lệ cao nhất, theo sau là “tiếp cận thị trường hàng hóa”, “quy tắc nguồn gốc xuất xứ”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.