Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp ngại vay vì lãi suất vẫn cao?

Đức Anh| 04/04/2013 07:34

(HNM) - Lãi suất đã giảm nhiều so với trước, nhưng vẫn còn cao so với

Nền kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp chưa muốn tiếp cận vay vốn vì lãi suất cao.Ảnh: Linh Ngọc



Hơn một năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đã điều chỉnh giảm nhiều lần lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng. Đến nay, mặt bằng lãi suất huy động VND giảm 3-6%/năm, lãi suất cho vay giảm 5-9%/năm so với thời điểm cuối năm 2011. Với việc giảm mặt bằng lãi suất huy động, cộng với tiết giảm chi phí, các ngân hàng cũng đã giảm lãi suất cho vay từ mức bình quân 17-19%/năm xuống 12-14%/năm và hướng vốn tín dụng vào các ngành, lĩnh vực khuyến khích phát triển. Cụ thể, lãi suất cho vay VND với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ không quá 12%/năm; cho vay lĩnh vực SXKD khác 12-15%/năm, trong đó lãi suất cho vay với khách hàng tốt chỉ là 9-11%/năm. Nhiều ngân hàng còn đưa ra những gói tín dụng VND áp dụng lãi suất cho vay dưới 10%/năm. Lãi suất cho vay VND trung, dài hạn: 14,6-16,5%/năm. Lãi suất cho vay USD ổn định ở mức 5-7%/năm (ngắn hạn); 6-8%/năm (trung, dài hạn), giảm 1-1,5%/năm so với cuối năm 2012. Mặc dù mặt bằng lãi suất đã được điều chỉnh nhiều lần và so với thời kỳ "đỉnh" (khi lãi suất cho vay "leo thang" lên đến 24-25%/năm), mức lãi suất hiện nay được đánh giá là "nhẹ nhàng" hơn. Tuy nhiên, hầu hết các DN đều mong muốn lãi suất tiếp tục giảm để DN bớt khó khăn.

Thực tế, hiện nay có tình trạng DN ngại vay, còn ngân hàng ngại cho vay. Lãi suất đã giảm, nhưng vẫn còn cao so với mong muốn của DN là rào cản khiến ngân hàng và DN chưa đến được với nhau. Với những DN lớn, các điều kiện để vay tiền tỷ của ngân hàng chỉ dựa vào tín chấp thì không có nhu cầu vay vốn, còn những DN vừa và nhỏ muốn vay vốn để duy trì hoặc mở rộng SXKD lại không có điều kiện vay vốn. Phía ngân hàng lại e dè do ngại nợ xấu nên đòi hỏi quy trình thẩm định khá khắt khe. Lãnh đạo của một DN kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản bày tỏ, thị trường bất động sản đóng băng, không tìm được "đầu ra" khiến nhiều DN thuộc lĩnh vực này bị ngập trong nợ quá hạn. Cùng lúc đó là chính sách "siết" nợ của ngân hàng khiến DN không thể xoay xở và rơi vào tình trạng phá sản. Vì thế, ngân hàng nên xem xét việc tiếp tục giảm lãi suất xuống quanh ngưỡng 10%/năm là hợp lý, phù hợp với các DN hiện nay. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần điều chỉnh lại cơ chế cho vay để nguồn vốn đến được với nhiều DN vừa và nhỏ. Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch LienVietPostBank cho rằng, trên thực tế nhiều ngân hàng đang rơi vào tình trạng không cho vay được, nhưng vẫn phải huy động cao hơn mức "trần" cho phép để cầm cự, đồng thời tránh "bẫy" thanh khoản từ xa. Thực tế là không phải cứ cho vay với lãi suất cao là hiệu quả, vì đây chỉ là lãi suất trên giấy. Hoạt động cho vay của ngân hàng là một cái "giỏ", có thể cho vay không kỳ hạn, ngắn hạn, dài hạn… từ đó tính bình quân mới tìm ra lãi suất cho vay. Cũng như DN, nguyên tắc hoạt động của ngân hàng là không để trứng vào một "giỏ", mà phải chia sẻ để chia đều rủi ro, giống như người dân biết chia nguồn tiền ra nhiều kênh như tiền mặt, vàng, chứng khoán, bất động sản… Trong điều kiện kinh tế như hiện nay, cho vay với lãi suất thấp với những khách hàng DN có "sức khỏe" tốt mới bền vững, ngân hàng cũng không nên "tham", chỉ chú trọng đến những DN chấp nhận vay với lãi suất cao mà không an toàn. Như vậy có nghĩa là không phải cứ cho vay với lãi suất 14-15%/năm mới có lãi, mà ngay cả cho vay với lãi suất 6-7%/năm cũng có thể có lợi nhuận nếu khách hàng là DN hoạt động kinh doanh hiệu quả và lâu dài. Tổng Giám đốc TienPhongBank, ông Nguyễn Hưng khẳng định, ngân hàng sẵn sàng tạo điều kiện cho vay với những DN có phương án kinh doanh tốt, không nhất thiết phải có nhiều tài sản bảo đảm. Ngay cả với những DN đang gặp khó khăn, nhưng nếu thực sự cố gắng, quyết tâm, có dự án kinh doanh khả quan, ngân hàng sẽ cho DN vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Dự báo về lãi suất từ nay đến cuối năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, có nhiều tiền đề kiềm chế lạm phát dưới 7% trong năm 2013, nhưng những yếu tố làm tăng CPI vẫn còn. Hiện, lãi suất huy động VND dưới 12 tháng chỉ còn 7,5%/năm. Mục tiêu của NHNN là cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay, trong vòng từ 1,5 tháng đến 3 tháng tới, mặt bằng lãi suất cho vay SXKD sẽ chỉ còn 9-11%/năm, các khoản vay cũ sẽ được kéo xuống dưới 13%/năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp ngại vay vì lãi suất vẫn cao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.