(HNM) - Câu chuyện về kéo dài đầu số di động từ 10 lên 11 số đã từng được các nhà cung cấp dịch vụ di động đặt ra.
Kéo dài đầu số di động, liệu khách hàng có gặp nhiều khó khăn? Ảnh: Thanh hải
Năm 2007, các mạng di động lớn gồm Mobifone (đầu 090), Vinaphone (091), Viettel (098) đã đề xuất Bộ chủ quản các phương án cấp thêm số để kinh doanh. Khi đó, Viettel đề xuất Bộ nên thực hiện phương án kéo dài thêm đầu số 09x từ 10 lên 11 số, vì mỗi người dân có thể sở hữu vài chiếc sim di động và việc kéo dài thêm đầu số sẽ giải quyết thêm hàng trăm triệu thuê bao để doanh nghiệp (DN) phát triển mới… Tuy nhiên, ý kiến này lại vấp phải sự phản đối của các mạng nhỏ, mạng mới, vì họ cho rằng việc kéo dài đầu số gây khó khăn cho họ khi họ đang phải "vật lộn" với cuộc đua trên thị trường, khó có cơ hội phát triển thuê bao. Dư luận khi đó cũng không đồng tình, vì cho rằng làm như vậy là đẩy khó khăn về khách hàng… Cuối cùng, cơ quan quản lý đã chọn phương án cấp thêm mã mạng mới, thay vì nâng độ dài từ 10 số lên 11 số (cụ thể Mobifone có thêm đầu 093, Vinaphone có 094, Viettel 097). Đầu năm 2010, tại cuộc họp tổng kết ngành TT-TT, lãnh đạo Tập đoàn Viettel lại đề xuất Bộ phương án kéo dài đầu số 09x với lý do tạo điều kiện cho DN phát triển các dịch vụ 3G, nhất là nhà mạng có thêm số để phục vụ khách hàng truy cập băng rộng di động. Đại diện Vinaphone và Mobifone cũng cho rằng, Bộ nên thực hiện phương án kéo dài đầu số 09x vì không chỉ giúp DN dễ phát triển kinh doanh, mà khách hàng cũng dễ nhận biết thương hiệu. Nhưng, một lần nữa, phương án này lại vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận. Có lẽ vì vậy mà câu chuyện khách hàng phải đổi số tạm thời "rơi vào im lặng", cũng không thấy DN nào đề xuất nữa. Năm 2011, dư luận chỉ được nghe nhắc đến việc Bộ đang cân nhắc việc kéo dài đầu số lên 11 số, nhưng mới là ý kiến của đại diện cơ quan quản lý nhà nước.
Về phía các nhà mạng, họ đều cho rằng việc cấp thêm các đầu số mới, nhất là đầu 01 (Viettel 016), Vinaphone và Mobifone đầu (012) khiến cho họ nhiều khi không nhớ nổi đầu số của mình quản lý. Trước kia, khi có thêm đầu số mới, họ hào hứng thực hiện các chương trình quảng cáo, tiếp thị để khách hàng có thể nhận diện thương hiệu, nhưng do có quá nhiều đầu số (Viettel 7 đầu số, Vinaphone 5, Mobifone 4) và khách hàng cũng phản hồi lại là không thể nhận ra đầu 11 số thuộc nhà mạng nào, nên nhà mạng cũng không mặn mà marketing đầu số nữa. Đó là lý do để họ đề xuất Bộ thực hiện kéo dài thêm đầu 09x. Song, từ vấn đề này cũng đặt ra câu hỏi, theo cách tính mới cả nước có khoảng 112 triệu thuê bao di động, có nghĩa những đầu số đã được cấp (ước tính lên tới vài trăm triệu thuê bao) vẫn còn nhiều, nhà mạng chưa khai thác hết. Hơn nữa, theo đánh giá của Bộ TT-TT các nhà mạng cũng chưa sử dụng hết 1/3 kho số của mình, như thế là vẫn còn lãng phí. Vậy, tại sao các nhà mạng không khai thác triệt để các số di động chưa dùng hết của mình mà cứ muốn đổi số để đẩy khó cho khách hàng? Thêm vào đó, sắp tới thị trường sẽ có thêm các mạng ảo tham gia, đương nhiên việc Bộ phải cấp thêm đầu số nữa là không tránh khỏi.
Sau khi có thông tin Bộ đang nghiên cứu phương án nâng độ dài đầu số 09x, cộng đồng mạng đã phản ứng gay gắt. Họ cho rằng, nếu kéo dài đầu số là đẩy khó khăn cho khách hàng, vì số di động từ lâu cũng là tài sản của họ để lưu trữ thông tin cá nhân, nếu đổi số, người thân, bạn bè sẽ khó nhớ, gây phiền toái. Hơn nữa, có nhiều người đã bỏ ra số tiền không nhỏ để được sở hữu những chiếc sim số đẹp, số trùng với ngày tháng năm sinh và có ý nghĩa, nay đổi số, khác nào biến những chiếc sim đó trở thành vô giá trị, vô ý nghĩa. Vậy nếu đổi số, các nhà mạng sẽ có chính sách thế nào với những khách hàng đã mua sim số đẹp của họ?.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.