Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp loay hoay với chính sách thuế

Đặng Loan| 31/10/2014 06:57

(HNM) - Ngày 30-10, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế.

Doanh nghiệp phản ánh bức xúc với ngành thuế tại buổi đối thoại.



Rất nhiều câu hỏi xoay quanh chi phí được trừ đối với thuế thu nhập DN, đặc biệt là với phần chi không có hóa đơn. Một DN chuyên phục vụ suất ăn cho trường học nêu vấn đề: Để có hóa đơn chứng từ thì phải mua nguyên liệu chế biến thức ăn ở siêu thị, giá rất đắt; trong khi mua tại chợ thì không có chứng từ để khấu trừ chi phí. DN này chất vấn phải làm thế nào để giải bài toán về giá cho bữa ăn của học sinh và việc quyết toán đầu vào? Trả lời câu hỏi này, đại diện Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết DN chỉ còn cách… mua của siêu thị, bởi phải có hóa đơn chứng từ mới được khấu trừ. Liên quan đến vấn đề này, nhiều DN cũng hỏi về các khoản chi không thể có hóa đơn như chi đám cưới, đám hỏi hay ma tang… Theo đại diện Cục Thuế, những khoản chi như phúc lợi, hiếu hỉ thì không cần hóa đơn mà chỉ cần lập phiếu chi, người nhập ký tên, ghi rõ nội dung chi thì sẽ được khấu trừ.

Quy định không được thu hồi hóa đơn viết sai mà phải điều chỉnh hóa đơn cũng gây nhiều khó khăn cho DN khi không biết điều chỉnh thế nào để hóa đơn được hợp lệ. Đại diện Cục Thuế đã hướng dẫn cho DN hai trường hợp điều chỉnh hóa đơn gồm hóa đơn viết sai nhưng không ảnh hưởng đến thuế doanh thu và có ảnh hưởng đến doanh thu. Theo đó, Thông tư 39/2014 của Bộ Tài chính quy định, trường hợp thông tin sai trên hóa đơn không ảnh hưởng đến doanh thu (sai tên công ty, địa chỉ, mã số thuế…) thì hai bên lập biên bản và sau đó lập hóa đơn điều chỉnh ghi lại thông tin đúng và phần thuế suất ghi bằng 0, kê khai doanh thu thuế bằng 0; trường hợp hóa đơn sai về số liệu, về giá, thuế suất thì hai bên cũng lập biên bản và hóa đơn điều chỉnh, và ghi rõ tên hàng hóa, số lượng, đơn giá tăng hay giảm và tính thuế bình thường.

Kinh tế khó khăn, một số DN phải đóng cửa nhưng thủ tục lòng vòng của ngành thuế đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Đại diện văn phòng đại diện của một công ty Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh cho biết, họ đã quyết toán xong thuế để làm thủ tục đóng cửa, thế nhưng khi lên lấy quyết định đóng cửa thì ngành thuế thông báo có thuế phát sinh nhưng không có con số cụ thể. Các phòng, ban của Cục Thuế yêu cầu nộp những tờ khai cũ trong khi chứng từ đã chuyển về Nhật nên họ không còn tờ khai cũ để nộp khiến việc đóng cửa không thể thực hiện được. Cũng ở thủ tục giải thể, một công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản cho biết công ty được thành lập năm 2008, hoạt động không hiệu quả nên đã nộp hồ sơ giải thể vào quý I-2014. Trong quá trình hoạt động không phát sinh doanh số hàng hóa dịch vụ nhưng có phát sinh thu nhập tài chính và đã nộp đầy đủ nghĩa vụ cho cơ quan thuế. Đến nay công ty này vẫn chưa được giải thể dù Thông tư 151/2014 của Bộ Tài chính quy định là DN được giải thể trong 5 ngày làm việc nếu không có phát sinh doanh số hàng hóa và dịch vụ. Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, Thông tư 151 có hiệu lực từ ngày 15-11-2014, công ty nộp hồ sơ giải thể từ trước nên thuộc phạm vi chi phối của Thông tư 156. Tuy nhiên với trường hợp cụ thể là công ty từ năm 2008 đến nay không phát sinh thu và đã nộp đủ nghĩa vụ thuế nên cơ quan thuế sẽ thực hiện nhanh chóng thủ tục giải thể cho công ty. Với trường hợp của văn phòng đại diện công ty Nhật Bản, bà Nga ghi nhận và yêu cầu đại diện này một lần nữa đến Cục Thuế làm việc trực tiếp để giải quyết.

Nhiều DN cũng phàn nàn việc không thống nhất dữ liệu giữa người nộp thuế và cơ quan thuế. Bà Nga xác nhận, có trường hợp số liệu cơ quan thuế và người nộp không thống nhất khiến DN phải tốn nhiều thời gian công sức để đối chiếu. Lý do là phần mềm dữ liệu do Tổng cục Thuế xây dựng và áp dụng thống nhất trên cả nước và thời gian đưa vào hoạt động chưa lâu nên còn bất cập. Mặt khác, chính sách thuế thường xuyên thay đổi làm phần mềm bị lỗi khi chưa cập nhật kịp. Cục Thuế sẽ báo cáo Tổng cục Thuế nâng cấp để giảm thời gian kê khai cho DN. Bà Nga cũng đề nghị DN nên thực hiện kê khai thuế qua mạng để việc cập nhật của cơ quan thuế đồng bộ hơn, không xảy ra tình trạng "vênh" dữ liệu.

DN cũng phản ánh về thái độ làm việc của nhân viên ngành thuế. Chẳng hạn, DN đã nộp đủ nghĩa vụ thuế và cung cấp đủ hồ sơ số liệu cho ngành thuế đối chiếu nhưng vẫn không được xóa nợ đọng lại còn bị chỉ đi lòng vòng từ phòng này đến phòng kia; DN gửi công văn đề nghị xóa nợ nhưng 1 tháng chưa được phản hồi. Với các phản ánh này, bà Nga khẳng định, khi DN đã cung cấp đủ chứng từ thì DN đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, phần còn lại là trách nhiệm cơ quan thuế phải rà soát đối chiếu và ra thông báo điều chỉnh nợ thuế, DN chỉ cần liên hệ với phòng quản lý trực tiếp mình chứ không phải đi hết phòng này phòng kia. Nếu gặp trường hợp này, DN có thể phản ánh ngay để lãnh đạo Cục Thuế trực tiếp giải quyết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp loay hoay với chính sách thuế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.