(HNM) - Một số doanh nghiệp tìm cách
Trên thị trường, giá sữa vẫn “loạn”. Ảnh: Khánh Nguyên |
1001… kiểu "lách" quy định
Thay đổi mẫu mã, nhưng "nội dung" không thay đổi; giảm trọng lượng; giảm thành phần để bớt chi phí… là những chiêu mà DN kinh doanh sữa đang tìm cách để "lách" quy định của ngành chức năng. Như vậy, ngay cả khi đã bị áp trần, giá sữa vẫn "loạn", còn người tiêu dùng vẫn phải mua sữa với giá cao. Mặc dù không quá phổ biến, nhưng trong hàng trăm sản phẩm sữa thuộc diện phải giảm giá, không khó để nhận diện một số sản phẩm có dấu hiệu "lách" trần. Theo phản ánh của người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội, mới đây, hãng Mead Johnson đã đưa ra hàng loạt các sản phẩm mới dòng Enfamil A+ 3600 Brain Plus và Enfagrow A+ 3600 Brain Plus thay thế dần cho Enfamil A+ và Enfagrow A+ thông thường trước đó. Tuy nhiên, mức giá bán của những mặt hàng mới lại được điều chỉnh tăng, chẳng hạn như loại 400g tăng khoảng 50.000 đồng/hộp, loại 900g tăng khoảng 86.000 đồng/hộp. Bất chấp trên biểu giá bán buôn tối đa và giá đăng ký của đơn vị này với Bộ Tài chính, Enfamil A+ hay Enfagrow A+ vẫn còn tồn tại, cùng với những loại có thêm "đuôi" 3600 Brain Plus kia, nhưng trên thị trường đã hầu như không còn bóng dáng của dòng Enfamil A+. Tình trạng này cũng khiến nhiều người tiêu dùng băn khoăn không biết trong thành phần sữa mới có gì hơn không, hay đơn giản chỉ là một chiêu của nhà sản xuất để không phải giảm giá sữa. Vì nếu so sánh thông tin được niêm yết trên vỏ sữa, các thông số không mấy khác nhau.
Một DN kinh doanh sữa khác lại tìm cách "qua mặt" người tiêu dùng khi giảm trọng lượng sữa để giảm giá. Chị Thùy Linh (phố Đào Duy Anh, Hà Nội) thường mua sữa Pediasure cho biết, đã qua mấy cửa hàng nhưng nhận được thông báo tạm thời hết sữa, đến các siêu thị cũng không tìm được sản phẩm này, theo cung cấp của người bán hàng là công ty đang có thay đổi về mẫu mã sản phẩm. Được biết, sản phẩm Pediasure B/A loại 900g mà chị vẫn thường mua sẽ được thay bằng loại 850g, giảm 50g so với trước, giá bán lẻ có giảm vài nghìn đồng/hộp, nhưng nếu so sánh theo trọng lượng, hộp sữa mới tăng vài chục nghìn đồng so với trước đó. Không đứng ngoài cuộc đua "lách" quy định, hãng Abbot cũng thay nhãn sữa, kéo dài độ tuổi sử dụng ra thành 1-10 tuổi, thay vì 1-6 tuổi, vì mặt hàng này sẽ không phải áp giá trần.
DN sản xuất, hay kinh doanh sữa có nhiều cách để "bảo vệ" nguồn thu, còn đối với một số đại lý, cơ sở kinh doanh lại có không ít lý do cho việc bán sữa với giá cao hơn mức trần. Với lập luận nhập sữa từ trước khi Bộ Tài chính áp trần, cộng với không được hãng có chính sách hỗ trợ giá, một số cửa hàng ngang nhiên bán sữa cao hơn quy định. Bất chấp những thông tin được đăng tải đầy đủ trên website của ngành chức năng về mức trần bán buôn, cũng như giá bán lẻ, một số đại lý không điều chỉnh giá. Nhiều người mua nếu không để ý hoặc không nắm được thông tin từ cơ quan chức năng có thể vẫn phải mua sữa với giá đắt hơn bình thường từ vài chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng mỗi hộp.
Lập lại trật tự thị trường...
Theo các chuyên gia, việc Bộ Tài chính áp trần với giá sữa là cần thiết, vì trong suốt một thời gian dài, giá sữa đã bị "loạn". Sữa được coi là mặt hàng thiết yếu đối với nhiều người dân, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ, nên thiết lập trật tự cho thị trường sữa là việc cần làm. Tuy nhiên, sữa là một mặt hàng đặc thù và việc định giá cũng không đơn giản, chỉ cần thay đổi một chút mẫu mã, thay đổi một hàm lượng nhỏ về chất béo, chất đạm trong công thức sữa là giá có thể thay đổi. Vậy, câu hỏi đặt ra là liệu ngành chức năng sẽ làm thế nào để mức giá trần đưa ra được thị trường chấp nhận. Đại diện Bộ Tài chính đã khẳng định, theo quy định quyết định về công bố giá trần, khi DN có thay đổi mẫu mã, hàm lượng và tên gọi sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, phải đăng ký và cơ quan quản lý giá có quyền kiểm tra chi phí theo phương pháp chi phí và phương pháp so sánh. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng phải phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để xác định chất lượng sữa, để bảo đảm phương pháp so sánh và phương pháp chi phí phải phù hợp, từ đó đề ra giá trần cụ thể.
Một vấn đề quan trọng hơn là sau khi áp trần, ngành chức năng sẽ có biện pháp gì để xử lý những DN "lách" trần? Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, việc này đã được "giải quyết" tại văn bản của Bộ hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có quy định, trường hợp có nhiều khâu phân phối, giá bán lẻ tối đa cũng chỉ được xác định cao hơn không quá 15% so với giá bán buôn tối đa của nhà sản xuất, nhập khẩu nhưng không được cao hơn giá bán lẻ đang bán trên thị trường. Trong quá trình đưa ra quyết định áp giá trần đối với mặt hàng sữa, Bộ Tài chính đã làm việc với nhiều DN và hầu hết DN cam kết tuân thủ pháp luật. Mặc dù DN cam kết thực hiện, nhưng việc thực hiện áp giá trần với mặt hàng sữa phải kiên trì, vừa truyền thông vừa đối thoại, vừa phân tích, phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.