Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp gặp khó vì thiếu điện

Lam Giang| 12/06/2023 13:56

(HNMO) - Những ngày qua, việc cắt điện ở nhiều nơi khiến không ít doanh nghiệp lao đao khi kế hoạch sản xuất đảo lộn, tiến độ giao hàng chậm lại, thậm chí có thể bị hủy đơn hàng… Dù rất chia sẻ với ngành điện song các doanh nghiệp mong muốn có kế hoạch dài hạn để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng thiếu điện.

Xưởng sản xuất của Công ty TNHH Mỹ nghệ Thiên Lộc thiếu vắng công nhân do mất điện. Ảnh: Hương Nguyễn

Loay hoay khắc phục

Sáng nay (12-6), nhận lịch cắt điện kéo dài từ 16h đến 24h, chị Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Thiên Lộc (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) nhắc nhở cộng sự chuẩn bị máy phát điện cho sản xuất ca chiều. Từ đầu tháng 6 đến nay, sau nhiều lần bị cắt điện luân phiên, công ty đã mua máy phát điện để có thể duy trì sản xuất.

“Tuy chạy máy phát điện nhưng do công suất thấp nên không đủ đáp ứng cho hệ thống máy cắt, máy mài, vì thế hoạt động của công ty vẫn bị gián đoạn. Đơn hàng đi Hàn Quốc buộc phải chậm giao. Cũng may, phía khách hàng chia sẻ khó khăn nên chấp thuận”, chị Hương nói.

Công ty May 10 tăng cường máy phát điện, tăng ca sản xuất công đoạn ít dùng thiết bị điện. Ảnh: Minh Quang

Tương tự, bà Dương Thị Liên Hương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tây Bắc Đô (doanh nghiệp ngành may tại huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, doanh nghiệp đã trải qua 4 đợt cắt điện. “Để khắc phục và sớm hoàn thành đơn hàng gần nhất, chúng tôi bám sát lịch cắt điện, tăng giờ, tăng ca những ngày có điện. Những hôm bị cắt điện, chúng tôi tập trung vào các công đoạn không sử dụng máy móc, thiết bị để bảo đảm tiến độ giao hàng”, bà Hương thông tin.

Không chỉ lĩnh vực sản xuất, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng bị đình trệ hoạt động do mất điện. Ông Lê Hồng Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng cho biết, mất điện đồng nghĩa toàn bộ hệ thống cẩu, bốc xếp hàng tại cảng dừng hoạt động. Đây đều là các thiết bị có công suất điện lớn, không thể dùng nguồn điện thay thế từ máy phát. Mất điện từ đầu giờ sáng tới 22h khiến lượng hàng hóa tương đương với công suất bốc xếp trung bình mỗi ngày 2.700 teus tắc nghẽn tại kho hàng. Đó là chưa kể hàng hóa trong hệ thống kho lạnh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên, phụ liệu cho sản xuất nói chung vì thế cũng gián đoạn.

“Cắt điện làm tăng chi phí, đảo lộn kế hoạch sản xuất, kinh doanh, giao hàng không đúng tiến độ, chuỗi sản xuất bị gián đoạn, đồng thời còn có thể dẫn đến hủy đơn hàng, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài e ngại…”, ông Lê Hồng Cẩm chia sẻ.

Cần những giải pháp dài hạn

Dù rất chia sẻ với ngành điện trước khó khăn chung, song thiếu điện đang tăng gánh nặng cho doanh nghiệp sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới ảm đạm.

Thiếu điện, giao hàng không đúng hẹn khiến những doanh nghiệp như Công ty TNHH Mỹ nghệ Thiên Lộc thêm lo lắng đối tác hủy đơn hàng trong nay mai. Bởi thế doanh nghiệp mong muốn, cơ quan chức năng sớm có giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài để bảo đảm nguồn điện cho sản xuất.

Ông Lê Hồng Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng cho rằng, giải pháp có tính cốt yếu và lâu dài là việc điều hành sản xuất và cung ứng điện phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống người dân cần mang tính tổng thể, với chiến lược dài hạn, bao trùm.

Lãnh đạo Tổng công ty Phát điện 1 kiểm tra việc sửa chữa tổ máy nhiệt điện gặp sự cố khi nắng nóng. Ảnh: Bộ Công Thương

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam, để ứng phó với tình trạng mất điện, doanh nghiệp cần tính toán có nguồn điện dự phòng riêng, ít nhất đủ để vận hành những khâu quan trọng, dù trước mắt là tốn kém. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu điện còn có thể diễn ra, do vậy chủ động nguồn điện là việc cần làm. Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách rõ ràng và minh bạch trong việc ưu tiên cho sản xuất, cụ thể thứ tự ưu tiên, khung giờ ưu tiên. Ngành điện cũng cần thông tin trước tình hình cắt điện trong trung hạn, như trong tháng 6 cắt điện khoảng ngày nào, mức là bao nhiêu, để doanh nghiệp chủ động ứng phó.

Điển hình như Tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư dây chuyền hiện đại giúp tối ưu hóa sản xuất, tận dụng mọi nguồn nhiệt, khí dư thừa trong quá trình luyện gang thép để phát điện. Năm 2022, tổng lượng điện phát của các nhà máy điện nhiệt dư thuộc Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đạt trên 2,42 tỷ kWh, giúp Hòa Phát tự chủ khoảng 75% lượng điện năng cho sản xuất, đồng thời giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm năng lượng chung và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là lập lại cân bằng cho hệ thống, bảo đảm vận hành an toàn lưới điện. Để làm được điều này, trước hết phải thay đổi tư duy của người sử dụng điện. Từ trước đến nay chỉ quan tâm đến khả năng đáp ứng nhu cầu mà không để ý đến vấn đề quản lý nhu cầu sử dụng. 

Giáo sư Trần Đình Long cho rằng, với tăng trưởng kinh tế dự báo khoảng 6,5-7%/năm, nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ vẫn ở mức cao, tăng khoảng 10% trong thập niên tới. Trong khi thời gian qua, việc bổ sung nguồn điện mới vào hệ thống điện rất hạn chế, do đó, giải pháp lâu dài là cần bảo đảm phát triển đầy đủ và kịp thời hạ tầng cơ sở hệ thống năng lượng, đáp ứng sự phát triển đa dạng nguồn điện, phục vụ phát triển kinh tế đất nước cũng như bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp gặp khó vì thiếu điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.