Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng đặc biệt trong cuộc chiến chống đói nghèo

Thanh Hà| 08/12/2022 11:39

(HNMO) - Với chủ đề "Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu", Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ tư do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đã diễn ra sáng nay, 8-12, tại Hà Nội. Sự kiện được kết nối tới 2 điểm cầu trực tuyến tại Nhật Bản và Singapore.

Tham dự diễn đàn, có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo một số bộ, ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng tham dự diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu khai mạc diễn đàn.

Sản phẩm công nghệ số 2021 đạt tăng trưởng mạnh

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, với sự dẫn dắt của Bộ Thông tin và Truyền thông, cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai đầy đủ và có hiệu quả các nhiệm vụ về thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đưa người dân lên môi trường số.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, những sản phẩm đã đoạt giải năm 2021 có những bước chuyển mình ngoạn mục. Nhiều sản phẩm số đã tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, vươn dần ra thị trường quốc tế. Đặc biệt là sản phẩm Mesh Wi-Fi của VNPT - giải Vàng sản phẩm số xuất sắc 2021 đã tăng trưởng 400%, từ 44.000 sản phẩm lên 220.000 sản phẩm. Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS - giải Bạc nền tảng số xuất sắc đã và đang đồng hành cùng hơn 42.000 doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số. Hay hệ thống giám sát sâu rầy thông mình của Rynan - giải Bạc sản phẩm số xuất sắc đã tăng trưởng 96%, hiện mạng lưới đã lắp đặt trên 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, và đặc biệt trong năm 2022, sản phẩm đã được cấp phép thương mại tại thị trường Nhật Bản; dự kiến đến hết năm 2023, sẽ lắp đặt 100 hệ thống tại thị trường Nhật Bản.

"Trong diễn đàn này, tôi mong muốn các diễn giả cùng các doanh nghiệp tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam bền vững, làm chủ thị trường trong nước và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu....", Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ một số vấn đề với cộng đồng doanh nghiệp số.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ một số việc cần làm gửi đến cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đến năm 2045, nhân 100 năm thành lập nước, chúng ra đã xác định mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển, có một cuộc sống hòa bình, an toàn, văn hóa và một nền sản xuất hiện đại.

Vì vậy, chúng ta phải làm rất nhiều việc phi thường, và đặt ra từ năm 2020 đến 2030 phải tăng trưởng GDP 7,5% một năm, 2031 trở đi cũng phải hơn 6% một năm.

Để làm được điều đó, theo Phó Thủ tướng, cần phải thực hiện ba vấn đề. Đầu tiên là phải thay đổi thể chế, với những vướng mắc từ các thông tư, nghị định... Đây cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị.

Thứ hai, phải tập trung hơn đầu tư cho nhân lực, hiện vẫn đang ở tình trạng "thiếu cả thầy và cả thợ"... Do vậy, phải thay đổi về đào tạo và giải pháp đại học số là quan trọng cần chú ý. Nếu không thay đổi sẽ không thể đào tạo ra 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin.

Thứ ba là việc tìm ra cái gì mới, còn dư địa. Hiện nay, chúng ta kỳ vọng vào chuyển đổi số, công nghệ thông tin, vì nếu cứ phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ mà không đi vào những mũi nhọn mới của thế giới, trong đó có công nghệ thông tin, thì khó có thể đạt con số tăng GDP 7% một năm.

"Cộng đồng doanh nghiệp số là một trong lực lượng đặc biệt trong cuộc chiến chống lại nghèo đói. Doanh nghiệp công nghệ là một trong các lực lượng quyết định Việt Nam có đi nhanh được không", Phó Thủ tướng gợi mở.

Cùng với đó, cần xác định, dư địa thị trường trong nước còn rất lớn. Bằng chứng là nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn đầu tư vào Việt Nam. Với thị trường trong nước, phải đặt ra các bài toán thật cụ thể và làm đến cùng, hoàn thiện sản phẩm để người dùng không phải bận tâm và nghi ngờ, để mục đích cuối cùng là người dân sử dụng...

Doanh nghiệp chia sẻ việc phát triển sản phẩm, giải pháp công nghệ số

Chia sẻ về con đường vươn ra biển lớn của FPT, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho biết, trong 17 năm, FPT đã chuyển dịch được hàm lượng gia công, trước đây là 99%, giờ chuyển sang các dịch vụ tư vấn và chuyên môn sâu hơn. Tại châu Âu, FPT đang nghiên cứu những giải pháp giúp tối ưu quá trình chế tạo ra một chiếc xe hơi và quản lý, bảo trì các hệ thống điện gió.

Trong nước, FPT cũng có nhiều sản phẩm như hệ thống quản lý về thuế, hải quan, ngân hàng, kho bạc, mới đây nhất là hệ thống sàn giao dịch HOSE.

"Chúng tôi đã dùng kinh nghiệm quốc tế để triển khai dự án 100 ngày xây dựng hệ thống sàn giao dịch HOSE. Ngoài ra, hệ thống FPT.eHospital của FPT đã phục vụ hơn 400 bệnh viện trong nước và 10 bệnh viện tại nước ngoài.

Theo Tổng Giám đốc FPT, công nghệ thông tin sẽ đóng góp rất lớn vào hoạt động của các doanh nghiệp trong tương lai, đặc biệt khi chúng ta nỗ lực để phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây là giai đoạn các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Việt Nam phải có một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.

Để làm được điều này, FPT có 5 đề xuất: Một là, Chính phủ cần tạo ra những bài toán lớn cho doanh nghiệp; hai là, thúc đẩy phá triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Make in Vietnam cho từng ngành, từng lĩnh vực; ba là, thúc đẩy ngoại giao trong lĩnh vực công nghệ; bốn là đẩy mạnh thương hiệu chuyển đổi số quốc gia; và năm là thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ thông tin.

Các doanh nghiệp công nghệ số tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm số tại diễn đàn.

Chia sẻ về sự phát triển của kinh tế số gắn với cơ sở hạ tầng số, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ CMC cho rằng, quy mô nền kinh tế số còn rất lớn, tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, con số này chỉ chiếm 10% GDP. Để nâng cao tỷ trọng này, ông Nguyễn Trung Chính cho rằng, trước hết, cần có nhiều nỗ lực để thúc đẩy phát triển hạ tầng số để trở thành "digital hub" của khu vực; cùng với đó cần thúc đẩy hạ tầng điện toán đám mây.

"Cần coi hạ tầng số - hạ tầng điện toán đám mây như là hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số. Cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi cao nhất đối với doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm dịch vụ trong nước (đặt hàng sử dụng) và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số", Chủ tịch HĐQT CMC kiến nghị.

Bên cạnh đó là triển lãm trực tiếp và trực tuyến trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam tiêu biểu, phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng đặc biệt trong cuộc chiến chống đói nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.