Ngày 16-8 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Chương trình đào tạo, nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh.
Chương trình nhằm hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam cập nhật thông tin về phát triển xuất khẩu xanh, nắm bắt và hiểu biết rõ về các đạo luật, quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) như Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), giảm mất rừng và suy thoái rừng (EUDR).
Thông qua đó, các doanh nghiệp chủ động kế hoạch, biện pháp và lộ trình điều chỉnh các hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh mới.
Theo ông Hoàng Thành, đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam, Quy định của Liên minh châu Âu về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng (gọi tắt là EUDR) nhằm giảm thiểu nguy cơ các sản phẩm, chuỗi cung ứng liên quan đến phá rừng, suy thoái rừng được đưa vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường EU.
Từ 31-12-2024, quy định này bắt đầu áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức; tháng 6-2025 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chỉ những sản phẩm đáp ứng cả hai điều kiện là không gây phá rừng và hợp pháp mới được phép vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ EU. “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa nghiêm ngặt đến tận thửa đất, lô rừng nơi hàng hóa đó được sản xuất”, ông Hoàng Thành nêu.
Còn theo ông Huỳnh Thành Trung, Chuyên gia đào tạo về CBAM, Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon là một quy định mới quan trọng của EU nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các ngành công nghiệp. CBAM được EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1-10-2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.
CBAM áp mức giá carbon lên hàng hóa nhập khẩu có lượng phát thải cao (bao gồm xi măng, nhôm, sắt thép, phân bón, hydro và điện). Quy định này hướng đến mục tiêu ngăn ngừa “rò rỉ carbon” và duy trì tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp EU đang chịu phí carbon theo Hệ thống Mua bán phát thải (ETS).
Các chuyên gia tham gia chương trình cũng thông tin những tác động nhiều mặt của EUDR và CBAM tới xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cùng những khuyến nghị ứng phó.
Tại chương trình, các kinh nghiệm về triển khai EUDR, bao gồm những vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp phải để tuân thủ EUDR và giải pháp; việc áp dụng EUDR đối với các doanh nghiệp Việt Nam theo ngành hàng... đã được thảo luận và chia sẻ.
Hay như việc các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thuộc diện CBAM cần đánh giá cẩn thận các tác động tài chính tiềm tàng của quy định này. Việc chủ động thực hiện các biện pháp tuân thủ là vô cùng cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.