Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp chây ỳ, công nhân khốn khổ

Quách Thọ| 24/10/2012 07:23

(HNM) - Theo cơ quan BHXH TP Hồ Chí Minh, các DN trên địa bàn hiện đang nợ hơn 1.520 tỷ đồng tiền BHXH, BHYT, BHTN, tăng hơn 400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.


Tràn lan nợ đọng BHXH

Theo cơ quan BHXH TP, hiện TP có 45.000 DN đóng BHXH. Đáng nói là trước đây các DN thường chỉ để nợ khoảng 3 tháng thì nay hàng loạt DN bắt đầu "chây ỳ" tới 6 tháng, 9 tháng, thậm chí lâu hơn. Riêng tại quận 12 có gần 300 DN nợ BHXH với nhiều "chúa Chổm" lớn như DN tư nhân La Dang nợ 22 tháng BHXH với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng, Công ty TNHH Việt Thái quốc tế nợ gần 1,5 tỷ đồng, Công ty dệt Khang Phú Cường nợ 74 tháng hơn 825 triệu đồng, DN tư nhân Mạnh Tiến nợ 10 tháng với tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng…


Ảnh minh họa

Quận Tân Bình cũng đang có hàng loạt DN là "con nợ" BHXH đáng báo động như: Công ty TNHH Xây dựng Sơn Hải nợ từ tháng 9-2011 số tiền hơn 2,2 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng Sáu Sáu Tám nợ từ tháng 1-2011 số tiền hơn 242 triệu đồng… Ông Vũ Hữu Bình, Giám đốc BHXH quận Tân Bình bức xúc: "Chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp như tiến hành kiểm tra, nhắc nợ, đề nghị Thanh tra sở vào cuộc… nhưng rồi các DN cứ tìm cách né tránh, buộc lòng cơ quan BHXH phải khởi kiện".

Chưa hết, theo ông Lê Liêm, Giám đốc BHXH quận 7, tính đến đầu tháng 10-2012, cả 5 DN thuộc Công ty CP Tập đoàn Mai Linh đang nợ tiền BHXH tổng số 33,372 tỷ đồng. Cụ thể: Công ty TNHH Gia Định Taxi nợ 2,340 tỷ đồng; Công ty TNHH Sài Gòn Taxi nợ 4,742 tỷ đồng; Công ty CP Taxi Mai Linh Miền Nam nợ 10,623 tỷ đồng; Công ty TNHH Deluxe nợ 8,017 tỷ đồng; Công ty TNHH Chợ lớn Taxi nợ 7,648 tỷ đồng. Hiện đại diện của Mai Linh đã đưa ra lộ trình trả nợ, nhưng giới hạn đến cuối năm nay. Ông Liêm cho biết, dù Mai Linh có đưa ra lộ trình trả nợ thì BHXH vẫn phải khởi kiện ra tòa theo đúng quy định của ngành.

Với hơn 1.520 tỷ đồng mà các DN đang nợ nêu trên, chưa ai có thể thống kê được bao nhiêu người lao động sẽ chịu tác động bởi điều này. Nhưng rõ ràng khi các công nhân tại những DN đang nợ BHXH bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tử vong, hưu trí… chắc chắn sẽ không được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình.

Điển hình mới đây nhất là vụ Công ty CP dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT), sở hữu mạng di động SFONE, nợ BHXH đầm đìa. Dù cơ quan chức năng đã thực hiện hàng loạt biện pháp như kiểm tra, thanh tra, xử phạt… nhưng công ty vẫn không chịu đóng BHXH cho người lao động. Mới đây TAND quận 1 đã tuyên án, buộc công ty phải nộp ngay số tiền 12 tỷ đồng để BHXH giải quyết quyền lợi cho công nhân. Nhưng công ty vẫn cứ ỳ ra khiến hàng loạt công nhân dù đã nghỉ việc cả năm trời vẫn không nhận được chế độ.

Đó là những DN đang hoạt động, chí ít cũng có chút "tóc" để cơ quan BHXH nắm. Còn với những đơn vị trốn đóng BHXH mà chủ DN đã bỏ trốn, công ty ngừng hoạt động, giải thể, phá sản… thì người lao động chỉ có thể… kêu trời!

Khó xử lý

Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TP cho biết, khi DN trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, cái khó hiện nay của ngành BHXH là thẩm quyền rất hạn hẹp, chỉ có thể là kiểm tra rồi sau đó đề xuất xử lý, nên DN hầu như không "ngán". Bên cạnh đó, theo Nghị định 86/2010/NĐ-CP, DN vi phạm chỉ bị phạt tối đa là 30 triệu đồng và lãi nợ đọng tính ở thời điểm hiện nay là 14,2%. Nhiều DN sẵn sàng đóng phạt vì "quá bèo" so với số tiền nợ đọng hàng tỷ đồng được đem gửi ngân hàng lấy lãi…

Trước tình trạng này, từ đề xuất của BHXH, Thanh tra Sở LĐ,TB&XH thực hiện 1.064 cuộc thanh tra và đã ra 114 quyết định xử phạt hành chính với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Nhưng cũng chỉ có 77 DN nộp phạt 778 triệu đồng, còn 37 DN chưa chịu nộp phạt. Còn bản thân BHXH TP, từ đầu năm đến nay cũng khởi kiện 266 DN với số nợ 134 tỷ đồng, nhưng chỉ thu hồi về 38,9 tỷ đồng.

Mới đây Sở LĐ,TB&XH và BHXH TP đã đưa ra đề xuất tạo cơ chế cho DN thực sự khó khăn được vay vốn để trả nợ BHXH nhằm giải quyết quyền lợi cho NLĐ. Tuy nhiên nhiều chuyên gia lại lo ngại, bởi DN đang "đói' vốn sản xuất kinh doanh, lấy gì để bảo đảm khi vay được tiền họ sẽ đóng BHXH. Một số cơ quan chức năng còn đưa ra giải pháp giãn nợ cho DN, giống như Chính phủ cho DN chậm đóng thuế. Nhưng các chuyên gia pháp luật BHXH phân tích, bản chất của tiền BHXH khác với thuế, vì cơ quan BHXH chỉ là nơi quản lý quỹ này, còn người lao động mới thực sự là chủ sở hữu và mọi quyền lợi, chế độ như thai sản, ốm đau… đều liên quan đến số tiền này.

Tình trạng nợ đọng BHXH đã kéo dài nhiều năm nay, nhưng với thực trạng như trên, xem ra người lao động sẽ còn khổ dài dài…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp chây ỳ, công nhân khốn khổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.