Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao phản ứng nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam trong việc đàm phán với Mỹ, đồng thời nêukhuyến nghị với doanh nghiệp.
Tận dụng cơ hội để nâng cao năng lực sản xuất và công nghệ
Tại Toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Mỹ áp thuế 46% - Góc nhìn chuyên gia” do Viện Doanh trí, kết hợp với CLB CEO 1983 và Dgroup vừa tổ chức, Đại sứ Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Việt -Mỹ cho rằng mức thuế đối ứng Mỹ công bố áp với hàng hóa Việt Nam rất cao (46%) và thời hạn để áp dụng lại rất ngắn, khiến các doanh nghiệp Việt Nam không có thời gian chuẩn bị.
Để ứng phó, Việt Nam đã chủ động trong việc tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại, thương lượng và đưa ra các cam kết cụ thể để bảo vệ lợi ích của mình. Việt Nam đang nỗ lực tạo ra một thông điệp mạnh mẽ để Tổng thống Donald Trump có thể xem xét, bao gồm: Đề xuất giảm thuế quan với hàng hóa của Mỹ về 0%, đề xuất hoãn hoặc lùi thời gian áp dụng các biện pháp thuế quan cũng như đưa ra các cam kết và chào hàng hấp dẫn, như mua hàng Mỹ, giải quyết các rào cản thương mại.
“Các cam kết và chào hàng của Việt Nam cần phải là những thứ "sờ được, thấy được và đo đếm được", phù hợp với những ưu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ”, ông Phạm Quang Vinh nêu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu nhận định, việc Hoa Kỳ áp thuế 46% là động thái chưa từng có tiền lệ. Nếu không đạt được thỏa thuận, Việt Nam có thể đối diện với nguy cơ dư thừa hàng hóa và tăng trưởng chững lại.
Còn theo ông Nguyễn Tất Thịnh, cố vấn Viện Doanh trí, biểu suất thuế quan do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa kí ban hành với 180 nước là “đòn” kinh tế - địa chính trị tất yếu phải tới do những vấn đề toàn cầu tích luỹ. Các hoạt động đàm phán của Việt Nam hiện rất tích cực khi chúng ta không gây thêm sự đối kháng, đề cao lợi ích quốc gia, hướng tới hoà bình, cân bằng và hiệu quả.
Mục tiêu là làm giảm sâu và cơ bản chi phí đầu vào với nền kinh tế khi tổng số và giá trị của hàng hoá nhập từ Mỹ là lớn và thiết yếu; giữ thị trường Mỹ cho hoạt động xuất khẩu mạnh và ổn định. Nếu đàm phán thành công, đất nước sẽ chứng kiến những dấu hiệu tích cực về FDI, đầu tư nội và các chỉ số kinh tế…
“Với các doanh nghiệp Việt Nam, cần có cách nhìn rất thực tế là nếu đưa hàng hóa nhập khẩu của Mỹ về mức thuế quan bằng 0, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để nâng cao năng lực sản xuất và công nghệ. Vì hàng hoá của Mỹ đa phần là công nghệ cao. Khi tỷ trọng công nghệ từ hàng hóa nhập khẩu nhiều sẽ giúp nền kinh tế trong nước cất cánh. Đó là thực tế đã được chứng minh với một số quốc gia trên thế giới”, ông Nguyễn Tất Thịnh nêu.
Từ những cơ sở trên, chuyên gia xây dựng chiến lược doanh nghiệp này bày tỏ niềm tin, đất nước gặp khó khăn trong ngắn hạn, nhưng về trung hạn sẽ có triển vọng, bởi còn cộng hưởng với nội lực. Khi thực hiện xong việc tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy, khoảng đến quý IV-2025, có nhiều cơ sở để khẳng định nền kinh tế Việt Nam đảo chiều.
Khó khăn chỉ trong ngắn hạn
Các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường nội lực, đa dạng hóa thị trường để giảm thiểu tác động của các biện pháp thuế quan là khuyến cáo được các chuyên gia cùng nêu ra.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Mỹ áp thuế 46% lên hàng hoá Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội để thay đổi mạnh mẽ hơn nhiều vấn đề của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần nhanh chóng có chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác các thị trường tiềm năng như châu Âu (EVFTA), châu Á, châu Phi và Mỹ Latin thông qua xúc tiến thương mại.
Về dài hạn, năng lực cạnh tranh quốc gia cần được nâng cao bằng cách đầu tư vào hạ tầng, nhân lực, R&D và đổi mới sáng tạo, đồng thời giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một số ngành hàng nhất định.
"Trong lĩnh vực thương mại, chúng ta cần có những chiến lược dự phòng và tăng cường khả năng chống chịu. Ví dụ, nếu thị trường Mỹ gặp vấn đề, chúng ta sẽ có sẵn các thị trường thay thế tiềm năng và thông tin kịp thời cho doanh nghiệp để chủ động chuyển hướng kinh doanh. Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản ứng phó khác nhau cho từng tình huống cụ thể ”, ông Hiếu nêu ra quan điểm
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Tất Thịnh chỉ rõ, trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp cần giữ tâm thế bình tĩnh, không đối kháng mà phải chủ động đối ứng. Đây là cơ hội để nhìn lại nội lực, tái cấu trúc thị trường và sản phẩm.
Mỹ không phải là thị trường nuôi sống nền kinh tế Việt Nam. Thị trường gần hơn như các nước trong khối ASEAN với gần 600 triệu dân; hay những thị trường có nhiều tiềm năng tại Nam Ấn, Nam Á, Pakistan... cũng là thị trường lớn. Ấn Độ với 1,5 tỷ dân cũng là thị trường phong phú về tiêu dùng và được đánh giá khá “dễ tính”, là cơ hội cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam.
“Và trong khó khăn, cần nhìn nhận lại thị trường nội địa với 100 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng lớn mạnh và phong phú. Các sản phẩm dệt may, xe đạp, linh kiện, đồ gia dụng, hạt điều, cà phê… đều có sức tiêu thụ tốt”, TS Nguyễn Tất Thịnh đưa ra gợi ý.
Bà Lê Dung, Viện trưởng Viện Doanh trí khẳng định, việc liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp là yếu tố quan trọng giúp vượt qua giai đoạn thử thách này và tạo nền tảng phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.