(HNM) - Như Báo Hànộimới số ra ngày 29-12-2011 đã phản ánh vụ việc người dân xã Phú Kim, huyện Thạch Thất bao vây Chi nhánh Công ty CP Quốc tế Hòa Bình để phản đối DN gây ô nhiễm môi trường.
>Dân bao vây, đề nghị doanh nghiệp chấm dứt hoạt động
Tuy nhiên, sau một thời gian tập trung đông người bao vây xưởng sản xuất, đề nghị di dời, một số người dân đã có hành vi quá khích, đập phá tài sản của DN. Từ sự việc trên đã hé lộ nhiều mâu thuẫn giữa DN và người dân nhưng không được giải quyết triệt để. Hiện nay, DN đã cam kết dừng hoạt động và chuẩn bị chuyển sang hoạt động sản xuất khác để bảo đảm môi trường.
Giọt nước tràn ly
Sáng 27-12-2011, khi gần nghìn người dân bao vây xưởng sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Chi nhánh Công ty CP Quốc tế Hòa Bình, ông Ngô Quang Xuyên, Giám đốc điều hành chi nhánh đã liên tục gọi điện "cầu cứu" UBND và Công an xã Phú Kim đến giải quyết sự việc. Dù trụ sở các cơ quan công quyền chỉ cách DN chừng 1km nhưng phải hơn một giờ đồng hồ sau, lực lượng an ninh và đại diện chính quyền xã mới có mặt tại hiện trường. Có một điều rất lạ là khi có mặt những người này đều "đút tay túi quần", không ai có hành động gì nhằm giữ gìn trật tự. Trong khi chưa có sự can thiệp của chính quyền, DN và người dân chưa tìm được tiếng nói chung, một số người quá bức xúc đã tự ý dùng cuốc, búa cạy cửa xưởng sản xuất và đập phá một số tài sản của DN. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật.
Theo biên bản khám nghiệm, bước đầu cơ quan điều tra xác định thiệt hại tài sản của công ty do bị đập phá gồm: 5 máy đóng gói thuốc BVTV, 2 camera, 2 xe tay nâng hàng bị ném xuống mương và nhiều bao bì, nhãn mác, hộp thuốc chưa sử dụng… tổng giá trị khoảng hơn 1 tỷ đồng. Chính quyền địa phương thừa nhận đây là một sự việc rất đáng tiếc và nằm ngoài tầm kiểm soát. Tiếp sau đó, UBND huyện Thạch Thất, chính quyền xã Phú Kim và các đoàn thể xã đã vận động nhân dân không kích động gây hỗn loạn. Từ ngày 31-12-2011 đến nay, Công an TP Hà Nội và huyện Thạch Thất đã điều lực lượng về giữ ổn định tình hình, niêm phong xưởng sang chiết thuốc BVTV, đồng thời cử cán bộ chốt trực tại đây.
Không thể giải quyết các vấn đề theo kiểu “mạnh ai nấy làm”
Trao đổi về các vấn đề liên quan tới hoạt động của DN tại xã Phú Kim, Giám đốc Công ty CP Quốc tế Hòa Bình Nguyễn Quốc Khánh thừa nhận, do chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải, chất thải nên trong quá trình sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Dựa trên kết quả kiểm tra của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội về mức độ ô nhiễm của DN và sự chỉ đạo của UBND huyện Thạch Thất, UBND TP Hà Nội, DN cam kết sẽ dừng toàn bộ hoạt động sang chai, đóng gói và sẽ di dời trong vòng 6 tháng để chuyển xưởng này sang mục đích sử dụng khác nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường. Đối với chi nhánh tại xã Phú Kim, quan điểm của Công ty CP Quốc tế Hòa Bình là chi nhánh vi phạm môi trường đến đâu sẽ chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng đến đó.
Tuy nhiên, theo đại diện Công ty CP Quốc tế Hòa Bình thì DN cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều hành cơ sở sản xuất này từ nhiều năm nay. Hiện công ty là một trong hai DN được Chính phủ giao nhiệm vụ tham gia bình ổn thuốc BVTV với 3 cơ sở, trong đó 2 cơ sở ở khu vực phía nam đã hoạt động ổn định từ năm 2006 đến nay, chỉ còn khó khăn ở cơ sở đóng trên địa bàn huyện Thạch Thất. Từ khi DN thuê đất (năm 2002) đến nay, mối quan hệ giữa DN với chính quyền địa phương và người dân địa bàn còn thiếu chặt chẽ nên chưa có sự hợp tác hiệu quả giải quyết các vướng mắc phát sinh. Cụ thể, tới cuối năm 2007, DN mới được bàn giao đủ mặt bằng sạch. Không những thế, mọi việc như hỗ trợ thiệt hại sản xuất cho người dân, giải quyết vấn đề một số hộ sử dụng điện nhiều năm của DN không trả tiền, một hộ dân đòi tiền thuê đường vào xưởng… đều do DN và người dân tự giải quyết mà không có sự giúp đỡ của chính quyền sở tại.
Trao đổi vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Phú Kim Nguyễn Văn Công cũng thừa nhận mối liên hệ giữa chính quyền và DN còn lỏng lẻo, những việc cụ thể giữa người dân và DN đều do hai bên tự giải quyết, trừ một lần địa phương nhận được tin báo của DN đề nghị xác nhận sự hỗ trợ thiệt hại cho một số người dân nhưng khi cán bộ xã đến nơi thì mọi việc đã được giải quyết xong. Tuy nhiên, phía DN lại cho biết, mỗi khi gặp vướng mắc với người dân địa phương, DN đều gọi điện thoại báo cáo và đề nghị chính quyền địa phương đến hỗ trợ giải quyết nhưng đều gặp phải thái độ thờ ơ. Có lẽ ngoài nguyên nhân bức xúc do ô nhiễm môi trường, sự trái chiều này cũng lý giải vì sao mâu thuẫn giữa người dân với DN lại lên tới đỉnh điểm như sự việc xảy ra trong những ngày cuối năm 2011. Đây là bài học đắt giá cho cả ba phía: DN, người dân và chính quyền sở tại trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.