(HNMCT) - Những trang văn về chiến tranh do chính những người đã từng trải qua cuộc chiến viết bao giờ cũng chân thực, lôi cuốn và ám ảnh hơn cả. Chỉ trải qua 5 năm đời lính, nhưng đó là 5 năm bắt đầu bước vào ngưỡng cửa cuộc đời càng để lại trong chàng trai Hà Nội mang tên Đoàn Tuấn những day dứt khôn nguôi về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc mà anh tham gia. Khi ấy, Đoàn Tuấn: “Tuổi 18/ rời mái trường/ trở thành người lính/ mang lên rừng/ chuông xe điện vang ngân...”.
Vừa tốt nghiệp phổ thông, Đoàn Tuấn đã vội xếp lại giấy gọi khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp để lên đường nhập ngũ. Giữa chiến trường ác liệt, nơi “hòn tên, mũi đạn”, cận kề cái chết ấy mà Đoàn Tuấn vẫn may mắn được trở về, trong khi đồng đội của anh biết bao nhiêu người đã “hóa trăm mảnh sao trời” ở lại nơi chiến trường. Cuốn sổ tay ghi chép một thời quân ngũ sau này trở thành lời nhắc nhớ anh về đồng đội, về những tháng ngày chiến đấu máu thịt đã trải qua: “Tôi không thể sống thiếu người đã mất/ Tôi sống bằng cái chết của bạn tôi/ Tổ quốc nặng sâu hơn bởi tình yêu mảnh đất/ Đất bên ngoài Tổ quốc, Việt Nam ơi!”. Cho nên, dẫu thành công với nhiều kịch bản phim truyền hình, kịch bản điện ảnh đã dựng thành phim (Ngõ đàn bà, Chiếc chìa khóa vàng, Đường thư, Sống cùng lịch sử, Trên đỉnh bình yên), dẫu là nhà lý luận phê bình điện ảnh, giảng dạy ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh hay làm báo thì Đoàn Tuấn vẫn đau đáu với những trang viết tri ân quá khứ.
Ngay trong cuộc giao lưu ra mắt sách mới đây, nhà văn Đoàn Tuấn vẫn không kìm được nước mắt khi nhắc về những năm tháng cũ. “Đồng đội ơi lúc nào tôi cũng nhớ/ Đất bên ngoài Tổ quốc, cả trong mơ/ Làm thế nào cho nguôi nỗi thương người đã mất?...” - Câu thơ hay chính là câu hỏi lúc nào cũng vang động trong tâm trí nhà văn Đoàn Tuấn, thúc giục ông phải viết, phải kể lại cho thế hệ sau về những mất mát, đau thương nhưng không bi lụy của cha anh. Với ông, mỗi một người lính là một thế giới diệu kỳ, là một cuốn sách hay mà nếu biết cách đọc, cách kể, chúng ta sẽ có biết bao câu chuyện tuyệt vời.
Đáng tiếc là, “vì chiến tranh, những quyển sách đó có thể sẽ không bao giờ được lật mở, có thể sẽ mãi mãi nằm sâu trong lòng đất, bất cứ lúc nào. Và rồi, những câu chuyện có tuyệt vời đến mấy, cũng chìm đi, lẫn vào trong bao chuyện đời thường”. Đoàn Tuấn buộc cho mình trọng trách của một người lính viết văn, để sau đó góp nhặt lại những câu chuyện vào từng trang giấy, không chỉ bằng ký ức của chính bản thân mình mà còn từ tư liệu, nhật ký, ghi chép của những đồng đội còn sống trở về. “Tôi luôn nhớ đồng đội tôi hóa Đất/ Đất bên ngoài Tổ quốc... phía xa kia...”. - Những trang viết rút gan ruột của Đoàn Tuấn cứ thế ra đời. Đó là những vần thơ trong Tìm bạn, Kính gửi Sư đoàn 307, Lính tráng, Sau màu xanh lá, Đường lính, Lá mục, Điếu thuốc, Vận ơi…, và đặc biệt là bài thơ Đất bên ngoài Tổ quốc đã nhận Giải thưởng thơ Văn nghệ Quân đội năm 1990 - 1991. Sau này nhiều tác phẩm được tập hợp vào cuốn thơ cùng tên in chung với nhà thơ Lê Minh Quốc. Đó còn là ký chân dung về những đồng đội đã hy sinh trong cuốn sách Những người không gặp nữa, bút ký Mùa linh cảm, là hồi ức Mùa chinh chiến ấy, là tiểu thuyết Một trăm ngày trước tuổi hai mươi.
Nét đặc biệt trong các tác phẩm của Đoàn Tuấn là ở “chất lính”. Ông viết về chiến tranh, chân thực đến nghiệt ngã, dù trần trụi, bi thảm, đau đớn nhưng vẫn lạc quan, lấp lánh tình người, tình đồng chí, không bao giờ bi lụy. Có thể kể đến hồi ức chiến tranh Mùa chinh chiến ấy, tác phẩm được coi là một trong những tập bút ký xuất sắc, đã tái hiện hết sức chi tiết và chân thực về cuộc sống chiến đấu đầy gian nan, thử thách và rất nhiều hy sinh của người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia.
Ngay khi phát hành lần đầu tiên vào năm 2017, Mùa chinh chiến ấy đã tạo nên làn sóng trong lòng độc giả, đặc biệt là các cựu chiến binh Sư đoàn 307 - đồng đội của nhà văn. Đến nay Mùa chinh chiến ấy đã tái bản lần thứ 3, và cùng với lần tái bản năm 2019 này là 2 cuốn sách mới. Nếu tiểu thuyết Một trăm ngày trước tuổi hai mươi là những ghi chép về một thời tuổi trẻ nhuốm màu chiến tranh với những câu chuyện đời thường đầy chất lính về tình yêu, tình bạn, tình đồng đội,... thì bút ký Mùa linh cảm là 18 chân dung đồng đội của nhà văn mà mỗi người họ “dù trong thâm tâm biết mình sẽ chết, nhưng họ vẫn bình tĩnh đón nhận. Họ điềm nhiên đi vào cái chết như một lẽ thường tình. Họ không run sợ. Họ không đảo ngũ. Họ không tìm cách trốn tránh, tụt lại tuyến sau. Họ đã chết. Đó là những người dũng cảm nhất. Trẻ nhất. Đẹp nhất. Hình ảnh họ mãi mãi sáng ngời trong tâm trí chúng tôi”.
Và như thế, với mỗi trang sách chiến tranh của Đoàn Tuấn được viết ra, chính là để “không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên”, dù chiến tranh có lùi xa bao nhiêu năm đi nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.