(HNM) - Sau gần 20 năm "bóc lịch" trong một nhà tù ở bang Florida, Mỹ với tội buôn bán ma túy và gian lận, cựu độc tài Panama Manuel Noriega đã bị dẫn độ sang Pháp, nơi ông ta đối diện với cáo buộc rửa tiền. Chuyến bay của Hãng Hàng không Air France từ sân bay quốc tế Miami tới Paris ngày 26-4 đã tiếp tục đưa cựu lãnh đạo của quốc gia Trung Mỹ vào con đường lao lý.
Quyết định trên được thực hiện sau khi Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ yêu cầu không dẫn độ sang Pháp của Noriega vào tháng 3 vừa qua. Năm 1999, cựu độc tài 76 tuổi này đã bị một tòa án Pháp kết án vắng mặt với tội danh hợp thức hóa hơn 3 triệu USD kiếm được từ các thương vụ ma túy thông qua các ngân hàng của Pháp và mua 3 căn hộ hạng sang tại nước này. Tuy nhiên, ông ta sẽ được xét xử trong một phiên tòa mới tại Pháp và nếu bị kết tội, cựu lãnh đạo Panama có thể phải nhận mức án 10 năm tù giam.
Sinh năm 1935 tại Panama City, Manuel Antonio Noriega đã chọn con đường binh nghiệp để lập thân. Năm 1967, sau khi hoàn tất việc học tập tại Trường Võ bị Chorrillos ở thủ đô Lima của Peru, Noriega được biên chế vào lực lượng Vệ binh Quốc gia. Cơ hội đầu tiên đã tới chỉ một năm sau đó khi Noriega được tướng Omar Torrijos (cha của cựu Tổng thống Martin Torrijos) thăng vượt cấp từ trung úy lên trung tá do hưởng ứng tích cự vụ đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Arnulfo Arias. Sau đó với trọng trách Giám đốc cơ quan tình báo quân đội, Noriega bắt đầu làm mưa làm gió trên chính trường Panama khi không ngần ngại trấn áp các phong trào nổi dậy và thủ tiêu hàng chục đối thủ chính trị. Cũng vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Noriega bắt đầu trở thành đồng minh thân thiết của tình báo Mỹ.
Năm 1981, tướng Omar Torrijos bất ngờ tử nạn trong một vụ tai nạn máy bay đầy bí ẩn. Sau thảm họa, một đồng đội cũ của Noriega là đại tá Roberto Diaz Herrera kể lại rằng chính Noriega đã dàn dựng tai nạn này khi cho gài bom nổ tung chiếc phi cơ. Thông tin trên cho dù chưa bao giờ được làm sáng tỏ nhưng rõ ràng cái chết của tướng Omar Torrijos đã đưa Noriega lên đỉnh cao quyền lực. Tháng 8-1983, Noriega tự phong tướng, thâu tóm toàn bộ quyền bính trong tay và lập "biệt đội thần chết" để thẳng tay đàn áp, thủ tiêu những thành phần đối lập. Rất nhiều người chỉ trích Chính phủ đã biến mất một cách bí ẩn trong khi uy lực của Noriega lên tột đỉnh. Ông ta cho phép Mỹ đặt các trạm nghe lén thông tin tình báo trên đất Panama và đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Mỹ tuồn vũ khí và tiền bạc qua nước này tiếp tế cho các nhóm vũ trang thân Mỹ tại El Salvado và Nicaragua.
Tuy nhiên, song song với mối quan hệ mật thiết với Washington, Noriega còn bắt tay với thế giới ngầm, trong đó có "vua ma túy" Pablo Escobar khét tiếng một thời của Colombia để tuồn ma túy vào nước Mỹ và khi những dòng thác ma túy của Noriega ồ ạt chảy vào nước Mỹ thì cũng là lúc sự sủng ái của Washington với nhân vật khét tiếng này kết thúc. Ngày 5-2-1988, Cơ quan Chống ma túy của Mỹ chính thức mở chiến dịch truy bắt mãnh hổ của vùng kênh đào. Có tin rằng vào tháng 3-1988, Bộ Ngoại giao Mỹ ra giá 2 triệu USD để Noriega tự nguyện lưu vong sang Tây Ban Nha nhưng ông ta đã từ chối. Ngày 16-12-1989, quân đội Panama sập bẫy khiêu khích của Mỹ khi giết chết một lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Sự kiện này đã tạo cớ để người Mỹ thực hiện chiến dịch Just Cause để bắt "người bạn thân" một thời.
Chiến dịch chỉ kéo dài hơn 10 ngày từ ngày 20-12-1989, nhưng đã có 54 lính Panama, 24 lính Mỹ thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và khoảng 5.000 thường dân mất mạng sống. Tuy nhiên, kẻ bị săn lùng Noriega lại nhanh chân chạy trốn vào Đại sứ quán Vatican tại Panama City. Cuối cùng, Noriega đầu hàng vào ngày 3-1-1990 và bị đưa sang Mỹ xét xử trên danh nghĩa tù nhân chiến tranh và chính thức bị tòa án khu vực Miami, bang Florida kết án 40 năm tù giam vào ngày 16-9-1992 với 8 tội danh liên quan đến buôn lậu ma túy, bảo kê và rửa tiền. Năm 1999, án được giảm xuống còn 30 năm và tiếp tục được ân xá xuống 15 năm tù vào ngày 26-7-2007.
Việc đặt chân tới nước Pháp đã chấm dứt mong muốn được trở lại trần gian của cựu độc tài. Cánh cửa trại giam lại một lần nữa mở ra đối với nhân vật từng hô mưa gọi gió trên chính trường Panama.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.