(HNMO) - Tối 15-4, các đại biểu tham dự Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 đã có buổi tham quan các di sản tiêu biểu của thành phố Hà Nội là Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Hoàng thành Thăng Long.
Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các đại biểu được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính, hàm chứa nhiều giá trị văn hóa của trường đại học đầu tiên ở Việt Nam, tìm hiểu về đạo học của người Việt.
Bên cạnh hoạt động giới thiệu lịch sử, kiến trúc của Văn Miếu, các đại biểu được xem hai triển lãm: "Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên" và "Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản Hà Nội giai đoạn 1898-1954" do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với nhóm chuyên gia người Pháp và Viện Viễn đông Bác Cổ thực hiện. Triển lãm giúp cho các khách mời hiểu về những công việc đã thực hiện ở Văn Miếu của các nhà nghiên cứu Việt Nam và Pháp. Nhiều khách Pháp tỏ ra thích thú khi xem hai triển lãm này. Đặc biệt, tới đây, các đại biểu còn được thưởng thức các tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc với các bản nhạc truyền thống Việt Nam và Pháp.
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, để phục vụ chu đáo các đại biểu, đơn vị đã bố trí nhân sự, hướng dẫn viên và các chương trình tham quan phù hợp. Bên cạnh đó, trung tâm cũng chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, cảnh quan đẹp để quảng bá địa điểm văn hóa nổi tiếng của Thủ đô với các đại biểu và du khách.
Còn tại Hoàng thành Thăng Long, các đại biểu được trải nghiệm tour đêm "Đêm Hoàng cung Thăng Long" với nhiều hoạt động hấp dẫn khám phá di sản Hoàng thành và được thưởng thức vở rối nước kể câu chuyện Thăng Long - Hà Nội. Không gian Hoàng thành Thăng Long về đêm được trang trí lung linh khiến nhiều đại biểu hào hứng.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, tại Hoàng thành Thăng Long hiện đang duy trì hai tour đêm. Lần này, Trung tâm giới thiệu đến đại biểu tour dành cho người nước ngoài để khách có thể hiểu hơn về Hoàng thành Thăng Long, về sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội theo chiều dài lịch sử nghìn năm.
Tại đây, cũng đang diễn ra trưng bày "Từ lòng đất đến bảo tàng: Hành trình của hiện vật", là một trong các hoạt động trong khuôn khổ dự án hợp tác Hà Nội - Toulouse vừa được Trung tâm khai mạc nhân Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng vừa tổ chức tọa đàm Phát huy giá trị không gian khu khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long, cũng là một trong các hoạt động hợp tác giữa Hà Nội - Toulouse…
Các đại biểu đều tỏ ra hào hứng và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với vẻ đẹp cố kính, huyền diệu của di sản Hà Nội, cũng như công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Thủ đô.
Chương trình tham quan của các đại biểu cũng là cơ hội tốt để Hà Nội quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô "An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn - Chất lượng" đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Chia sẻ cảm nghĩ sau chuyến thăm, bà Catherine Deroche, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội và Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt tại Thượng viện Pháp, nhận định, Văn miếu - Quốc Tử Giám và Hoàng thành Thăng Long là hai di sản tiểu biểu của Thủ đô Hà Nội và văn hóa Việt Nam. Ngoài những hoạt động của Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12, việc tiếp cận về văn hóa cũng một trong những yếu tố rất quan trọng để có thể hiểu hơn về một quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.