Quy hoạch

Đô thị Hà Nội: Tiếp tục đổi thay cả lượng và chấtBài cuối: Đi trước để phát triển xứng tầm

Bảo Hân 31/07/2023 07:28

Với hơn 3.300km2, nằm trong số 17 thành phố, thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới, một “Hà Nội mới” sau bước ngoặt mang tính lịch sử - mở rộng địa giới hành chính, đứng trước áp lực đặc biệt về nhiệm vụ quy hoạch. Đây là khâu luôn phải “đi trước một bước” để thành phố phát triển đúng với vị thế, tầm vóc mới.

do-thi.jpg
Khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng) được xây dựng đồng bộ, tạo nên không gian đô thị hiện đại góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô.

Diện mạo đô thị mới

Ba năm sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26-7-2011, với định hướng phát triển Thủ đô bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế.

Nhìn lại hơn 10 năm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai và hoàn thành khối lượng lớn công việc. Thành phố đã phê duyệt đồ án quy hoạch các cấp độ, từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu phủ kín 100%, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, các đồ án quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành. Các quy hoạch được phê duyệt, kế hoạch được ban hành đã cơ bản đầy đủ để triển khai quản lý đô thị, đất đai, đầu tư, xây dựng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Là địa phương sớm hình thành các khu đô thị mới và phát triển nhanh so với cả nước, giai đoạn 2008-2021, Hà Nội đã có hơn 350 khu đô thị với quy mô khoảng 2.500ha. Các khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, tạo nên không gian đô thị hiện đại, thay đổi diện mạo của Thủ đô, như Việt Hưng, Vinhomes River Side, VinCity Ocean Park, Vin City Sportia, Garmuda, Royal City, Times City… Cụ thể hóa chủ trương phát triển nhà ở, đến năm 2022, diện tích sàn nhà ở trung bình đạt 27,6m2/người. Thành phố đã rà soát, đánh giá sơ bộ 1.579 nhà chung cư cũ, kiểm định được 401/1.579 chung cư cũ, đồng thời có 18 dự án cải tạo chung cư cũ hoàn thành, 14 dự án đang triển khai.

Thực hiện chỉnh trang, xây dựng đô thị văn minh, thành phố đã hình thành một số tuyến phố kiểu mẫu; cải tạo, xây mới nhiều vườn hoa, công viên; trồng cây xanh đồng bộ với hạ ngầm hệ thống cáp điện, thông tin liên lạc; tập trung khắc phục cơ bản tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Hệ thống chiếu sáng, trang trí đô thị được đầu tư bảo đảm tỷ lệ chiếu sáng 95-98%. Hiện, thành phố đang tập trung đầu tư chuẩn bị các điều kiện để xây dựng các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận với tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nhận định, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, việc đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư phát triển đô thị đã nhanh chóng tạo nên diện mạo mới cho đô thị Thủ đô. Quản lý, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường được tăng cường, cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện và hiện đại hóa, vấn đề nhà ở cho nhân dân được cải thiện.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ, còn gặp nhiều vướng mắc. Việc bố trí khu vực phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại chưa hợp lý, thiếu đồng bộ về chất lượng chung giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội tại cùng một khu vực. Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, mô hình chùm đô thị theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô còn hạn chế, tồn tại. Không gian sinh hoạt công cộng và vui chơi, giải trí cho cộng đồng còn thiếu, nhất là khu vực nội đô. Phát triển đô thị chưa đồng đều, thiếu đồng bộ và chưa tương xứng với tiềm năng. Một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ đề ra; tỷ lệ đô thị hóa thấp (dưới 50%)...

Thẳng thắn nhìn nhận để giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên và tiếp tục hoạch định hướng phát triển của Thủ đô trong thời gian tới, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đặc biệt là hoàn chỉnh quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn thành phố, triển khai hiệu quả các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống.

Tiếp tục hiện thực hóa khát vọng

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, ngoài thực hiện các nhiệm vụ lớn liên quan đến quy hoạch nêu trên, các đơn vị, sở, ngành, UBND các quận, huyện cũng đang đồng thời nghiên cứu lập một số quy hoạch đặc thù tại khu nội đô lịch sử, khu vực di sản quốc tế, quốc gia như trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám; hệ thống không gian ngầm; làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; xây dựng và triển khai các quy chế, quy định về cấp giấy phép quy hoạch; triển khai xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo Luật Kiến trúc và các luật có liên quan. Tất cả đều hướng tới mục đích quản lý quy hoạch ngày càng chặt chẽ, đạt kết quả tích cực trong thực tiễn.

Còn theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, các đồ án quy hoạch tới đây sẽ đề xuất xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành các đô thị hiện đại, thông minh mang tính dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô, tạo ra chùm đô thị với các thành phố, thị xã trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, khu vực đô thị hình thành theo các tuyến đường vành đai, tuyến đường kết nối nội vùng, liên vùng, tuyến đường sắt đô thị làm đối trọng và giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm, đưa người dân ra các đô thị xung quanh.

“Sau khi mở rộng địa giới, tốc độ dân số của Thủ đô tăng rất nhanh. Theo định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, dân số toàn thành phố dự báo đến năm 2020 khoảng 7,3-7,9 triệu người. Tuy vậy, đến năm 2020, quy mô dân số đã vượt ngưỡng khi toàn thành phố đạt 8,24 triệu người. Do vậy, việc điều chỉnh quy hoạch cũng cần hướng đến vấn đề dân số và phân bổ dân cư cho hợp lý. Các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác cần được sử dụng có hiệu quả nhằm điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị trên địa bàn Thủ đô”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm kiến nghị.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Hà Nội đang đứng trước cơ hội hiếm có, “khác thường” để thay đổi cách nghĩ, nhận diện lại cấu trúc phát triển của Thủ đô. “Tại thời điểm này, quan trọng nhất là cách đặt vấn đề phát triển Thủ đô phải đúng tầm với sứ mệnh, không phải chỉ của riêng một địa phương mà là tạo hình mẫu dẫn dắt cả nước. Do đó, các đồ án quy hoạch cần nhất quán, được nhìn theo cùng hướng, cùng mạch, không chỉ để cơi nới, giải quyết những khó khăn cũ trước đây hoặc sa vào chỉnh sửa những nội dung chưa làm xong mà phải có sứ mệnh tạo ra diện mạo, cơ hội phát triển Thủ đô xứng đáng với thời đại mới”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Trước sức ép về tiến độ thời gian, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện và trên hết là bảo đảm về chất lượng các đồ án quy hoạch lớn, mang tính định hướng, dẫn dắt Thủ đô Hà Nội sau 15 năm hợp nhất phát triển nhanh, mạnh, toàn diện hơn nữa. Quy hoạch, vẫn luôn là bước đi trước để dẫn dắt, lan tỏa những khát vọng vươn cao, vươn xa từ đất rồng thiêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đô thị Hà Nội: Tiếp tục đổi thay cả lượng và chất Bài cuối: Đi trước để phát triển xứng tầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.