(HNM) - Những năm gần đây, nói đến sự đổi thay của TP Hồ Chí Minh, một điều dễ nhận thấy chính là sự phát triển vượt bậc của kinh tế và hạ tầng đô thị. Rõ ràng, thành phố mong muốn thay đổi chính mình, dần định hình một diện mạo đô thị theo hướng tiếp cận đẳng cấp quốc tế.
Hạ tầng đô thị phát triển nhanh
Trong số nhiều thay đổi tích cực mà thành phố đạt được trong giai đoạn qua, có những thay đổi góp phần định vị thành phố ở tầm phát triển mới. Cụ thể, thành phố đã thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Kết quả là, kinh tế - xã hội thành phố đã chuyển dịch đúng hướng, góp phần tăng trưởng GDP, nâng cao mức sống người dân. Cụ thể, GDP bình quân đầu người hiện nay đạt trên 5.500 USD/người, tăng 12%/năm, tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Số hộ nghèo có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm hiện chỉ còn 0,89%, hộ cận nghèo có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm còn 2,39%. Thành phố cũng thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, các chương trình an sinh xã hội, kéo giảm chênh lệch mức sống giữa các nhóm dân cư từ hơn 10 lần năm 1992 xuống còn hơn 6 lần hiện nay.
Giao thông TP Hồ Chí Minh được kết nối, liên thông đồng bộ. |
Đặc biệt, 5 năm qua, cơ cấu kinh tế thành phố đã chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh. Chín nhóm ngành dịch vụ chủ yếu chiếm tỷ trọng cao nhất là 57,33% trong tổng GDP, cao hơn giai đoạn 2001-2005 là 45,3% và giai đoạn 2006-2010 là 46%.
Ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Đảng bộ TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải cho biết, vấn đề cốt lõi mà Đảng bộ thành phố luôn trăn trở, chăm lo và xem là kết quả cơ bản nhất đó là gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng, phát triển con người tiến bộ và công bằng xã hội. Thành phố tập trung chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân, từng bước nâng chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Giai đoạn 2011-2015, trong những thành tựu về kinh tế - xã hội, phải kể đến sự "thay da, đổi thịt" hạ tầng giao thông. Tại khu vực nội thành đã đưa vào sử dụng 6 cầu vượt bằng thép, góp phần giảm ùn tắc giao thông nội ô. Tại cửa ngõ phía Đông, cầu Sài Gòn 2 được đưa vào khai thác cuối năm 2013, cùng với Xa lộ Hà Nội nâng cấp mở rộng lên 12 làn xe. Cung đường này là "xương sống" của TP Hồ Chí Minh, giúp giao thông cửa ngõ phía Đông trở nên liên hoàn. Còn tại cửa ngõ phía Đông bắc, đường Phạm Văn Đồng được xem là một trong những tuyến đường đẹp nhất TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa vào khai thác toàn tuyến vào tháng 10-2015. Ngoài ra, một trong những tuyến đường góp phần làm thay đổi diện mạo TP Hồ Chí Minh phải kể đến tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 21.000 tỷ đồng, khởi công vào tháng 10-2009, đến tháng 2-2015, toàn tuyến cao tốc này đã chính thức được vận hành. Đây được xem là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu tam giác kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
TP Hồ Chí Minh cũng quyết tâm xây dựng 6 tuyến đường sắt đô thị (metro), trong đó tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) khởi công từ tháng 8-2012. Dự kiến, chậm nhất vào năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ đưa vào vận hành tuyến metro này và giấc mơ về mạng lưới metro tỏa ra khắp thành phố sẽ dần trở thành hiện thực.
Sẽ là thiếu sót nếu không thể không nói đến dự án nâng cấp đô thị của TP Hồ Chí Minh, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, cải thiện đời sống của hàng triệu người dân thành phố, đặc biệt là khu vực dân cư thu nhập thấp sống dọc các dòng kênh ô nhiễm. Đến nay thành phố đã hoàn thành xây dựng khoảng 500km hệ thống thoát nước và nâng cấp 580km đường giao thông. Qua đó, có khoảng 30.000 hộ gia đình được hưởng lợi từ các dự án này. Hình ảnh những con đường, khu dân cư khang trang ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ, Lò Gốm… vốn là những dòng "kênh chết" trước đây đã nói lên phần nào sự thay da đổi thịt của đô thị TP Hồ Chí Minh những năm qua.
Quyết lấy lại danh hiệu "Hòn ngọc Viễn Đông"
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần định vị chính xác vị trí của mình trên trường quốc tế, trong đó phải đặt đích đến là gì trong tương quan so sánh quốc tế, mà trước mắt là những thành phố trong khu vực như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)... Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, những cơ hội và thách thức mới cũng được mở ra, đòi hỏi thúc đẩy sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa của Việt Nam, trong đó có vai trò quan trọng của thành phố mang tên Bác.
Nhằm tạo ra sức bật đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm đầu tàu kinh tế của cả nước, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, địa phương sẽ kiên trì kiến nghị trung ương tạo cơ chế để thành phố xây dựng "chính quyền đô thị". Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP Hồ Chí Minh phải là đô thị đặc biệt, do đó cần các cơ chế đặc thù để phát triển. Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cần phải đặt ra hướng tiếp cận mới cho thành phố. Đó là không thể so sánh "ta với ta" nữa mà phải so sánh "ta với quốc tế". Đây được xem là điều kiện tiên quyết giúp thành phố cất cánh và lấy lại danh hiệu "Hòn ngọc Viễn Đông".
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, TP Hồ Chí Minh cần phải đột phá trong tư duy để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Nhiều ý kiến góp ý trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2015-2020) đã chỉ ra hai tuyến mục tiêu mà TP Hồ Chí Minh phải đạt được trong giai đoạn tới đó là: Hiện đại và bản sắc nhân văn. Đây được xem là hai tuyến mục tiêu cơ bản, có vai trò định vị "chân dung" thành phố trong tương lai. Để đạt được mục tiêu hiện đại, TP Hồ Chí Minh phải vận dụng mọi nguồn lực, từ con người đến cơ chế, chính sách để đưa các ngành kinh tế thành phố theo hướng công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ, đồng thời là trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực. Đối với mục tiêu bản sắc nhân văn, thành phố đã và đang thực hiện các chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, xây dựng con người mới, kế thừa và phát huy giá trị, đạo đức, lối sống, thể hiện ý Đảng, lòng dân góp phần tạo nên nét đặc trưng của thành phố - Thành phố nghĩa tình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.