Ra đời khoảng 500 năm trước Công nguyên, một thành phố cổ ở Ấn Độ có các hồ chứa nước, đường xá, đồ gốm và tiền xu.
Những hiện vật mà các nhà khảo cổ tìm thấy trong thành phố 2.500 tuổi tại bang, Chhattisgarh, Ấn Độ. Ảnh: Cơ quan Văn hóa và Khảo cổ bang Chhattisgarh. |
Các nhà khảo cổ thuộc Cơ quan Văn hóa và Khảo cổ của bang Chhattisgarh, Ấn Độ phát hiện thành phố có niên đại chừng 2.500 năm tại vùng Tarighat, quận Durg, bang Chhattisgarh. Nó tọa lạc trên một khu vực có diện tích chừng 2 hecta bên bờ của một dòng sông, The Times of India đưa tin.
"Chúng tôi tìm thấy những mảnh gốm, đồng xu, con dấu và tượng đất nung trong 4 ụ đất. Mỗi ụ đất đó có chiều cao chừng 4,5m. Quá trình khai quật toàn bộ thành phố có thể kéo dài từ 5 tới 10 năm", J.R. Bhagat, phó giám đốc Cơ quan Văn hóa và Khảo cổ bang Chhattisgarh, phát biểu.
Giới phân tích nhận định đây là phát hiện khảo cổ quan trọng nhất tại Ấn Độ trong ít nhất nửa thế kỷ.
Hai triều đại Kushan và Satavahana từng cai trị khu vực mà thành phố cổ tọa lạc từ thế kỷ 3 tới thế kỷ 5 trước Công nguyên. Mặc dù giới khoa học từng tìm thấy nhiều bằng chứng về sự phát triển của đô thị tại Ấn Độ sau thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, việc tìm thấy cả một thành phố là sự kiện cực hiếm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.