(HNM) - Theo Luật Đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nếu sau khi nộp tiền 6 tháng, người lao động (NLĐ) không xuất cảnh được thì doanh nghiệp phải hoàn trả lại tiền.
Nếu không doanh nghiệp sẽ bị phạt hành chính từ 5 đến 40 triệu đồng và có thể bị đình chỉ giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thực tế các doanh nghiệp vẫn lách luật để chiếm dụng vốn khiến NLĐ thiệt đơn thiệt kép, còn cơ quan quản lý kiểm soát các hoạt động thu của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Người lao động chờ đợi OSC Hải Phòng hoàn lại số tiền đã nộp. |
Những khoản nợ khó đòi
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực thi pháp luật NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thì số khoản dư nợ mà Ngân hàng Chính sách xã hội chưa thu hồi được từ các khoản nợ xấu, nợ vay do doanh nghiệp chiếm dụng của NLĐ là trên 220 tỷ đồng. Các trường hợp thu hồi nợ khó là những lao động không đòi được tiền đặt cọc do doanh nghiệp không có khả năng đưa họ đi nước ngoài làm việc. Mới đây, một số cơ quan báo chí đã nhận được đơn kêu cứu của 8 NLĐ từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Giang, Ninh Bình, Phú Thọ... làm thủ tục đi XKLĐ tại CH Czech qua Chi nhánh Công ty CP Du lịch dịch vụ dầu khí Hải Phòng (OSC) tại Hà Nội. Chi phí xuất cảnh của mỗi người là hơn 3.000 USD. Tiền đã nộp nhưng hết năm 2007, sang đến năm 2008 công ty này đưa ra nhiều lý do trì hoãn việc xuất cảnh. Sau hàng chục lần đòi hỏi quyền lợi không được, họ đành bỏ lại giấc mơ xuất ngoại và bắt đầu hành trình đòi nợ. Và tính từ năm 2007 đến nay, sau khi các cơ quan chức năng và báo chí lên tiếng, 8 người mới chỉ nhận lại được 1/2 số tiền mà doanh nghiệp đã thu của họ.
Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, có doanh nghiệp chiếm dụng vốn đến gần 3 năm mới bị phát hiện. Điển hình là trường hợp nhận 313 triệu đồng từ 17 NLĐ của Công ty Incomex. Đa số NLĐ thuộc huyện Chí Linh, Tứ Kỳ, Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) đều nộp tiền từ năm 2006 và đến năm 2008 mới bị phát hiện. Và đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa trả hết nợ cho NLĐ. Hoặc trường hợp Công ty Hantech thu 20 triệu đồng của 1 lao động tại huyện Tứ Kỳ, Hải Dương từ tháng 11-2006 đến nay vẫn không đưa được lao động này đi nước ngoài làm việc, số tiền nói trên cũng chưa trả lại. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng liệt kê một số doanh nghiệp có biểu hiện chiếm dụng vốn có "thâm niên" như: một lao động tại Phú Thọ nộp cho Công ty Tranxeco tại Hà Nội 15 triệu đồng từ tháng 7-2006 đến nay vẫn chưa có việc làm, cũng không đòi được tiền. Hoặc Công ty Quinimex tại Quảng Ninh "quỵt" 18 triệu đồng của 1 lao động tại Phú Thọ từ tháng 4-2007 đến nay.
Các trường hợp nợ xấu khác mà Ngân hàng Nhà nước công bố nguyên nhân là do các hoạt động của XKLĐ gặp những rủi ro nhất định như NLĐ bị mất việc làm, giảm thu nhập hoặc bị tai nạn lao động, ốm hoặc chết; lao động tự bỏ việc; lao động không gửi tiền về nước để trả nợ; lao động cố tình chây ỳ không trả nợ.
Doanh nghiệp "lách" luật
Theo quy trình, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ NLĐ làm các thủ tục vay vốn ngân hàng khi lao động đủ điều kiện đi XKLĐ để trả các khoản phí. Và doanh nghiệp sẽ nhận số tiền giải ngân này. Vì doanh nghiệp "nắm đằng chuôi" nên khi NLĐ không được xuất cảnh, việc nhận lại tiền cũng rất khó khăn. Do vậy, NLĐ vẫn phải trả tiền lãi hằng tháng trong khi việc làm không có, đã vậy, họ còn phải "cõng" thêm nhiều chi phí cho việc đi đòi nợ từ các doanh nghiệp.
Luật Đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã quy định nếu doanh nghiệp không thực hiện sẽ bị phạt hành chính từ 5 triệu đến 40 triệu đồng, nặng thì đình chỉ giấy phép. Tuy nhiên, chỉ khi NLĐ kêu cứu, các vụ việc mới được phát giác. Đối với cơ quan chức năng, việc kiểm tra chứng từ, kiểm soát các hoạt động thu của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn khi họ cố tình "lách" luật. Cụ thể là doanh nghiệp tìm cách ghi hóa đơn, chứng từ nhận tiền của NLĐ thấp hơn số tiền thực tế mà họ phải nộp. Hoặc có nhiều doanh nghiệp yêu cầu NLĐ điền vào mẫu đơn tình nguyện nộp tiền và chờ đợi không phải là 6 tháng mà là 1 năm, thậm chí 2 năm vẫn chưa được đi nước ngoài làm việc.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, chỉ có 30% trong số trên 160 doanh nghiệp XKLĐ hoạt động có hiệu quả cao, 50% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trung bình, còn lại hoạt động kém hiệu quả. Và tuy đã phát hiện nhiều vi phạm của các doanh nghiệp nhưng con số bị thu hồi giấy phép chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Với đà này, nếu không có các biện pháp kiểm tra, xử lý tích cực thì hậu quả sẽ rất khó lường. Và NLĐ sẽ càng là những "miếng mồi ngon" của các doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.