(HNM) - Khu phố Nguộn, xã Văn Tự (Thường Tín) lúc nào cũng
Hàng loạt nhà xưởng kinh doanh, chế biến gỗ được xây dựng trên đất nông nghiệp ở phố Nguộn. |
Ngày 3-4-2013, Báo Hànộimới đăng bài "Xử lý vi phạm đất đai tại xã Văn Tự, huyện Thường Tín: Huyện ra văn bản, xã mặc kệ", phản ánh tình trạng vi phạm đất đai tại xã Văn Tự không được xử lý triệt để, mặc dù UBND huyện Thường Tín đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo. Quay trở lại địa phương này sau gần một năm, chúng tôi nhận thấy các nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp tại khu phố Nguộn không những không bị xử lý mà còn được gia cố thêm chiều cao để tận dụng triệt để cho việc kinh doanh. Theo thống kê của xã, tại Văn Tự có 48 trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, các vi phạm diễn ra chủ yếu từ năm 2000 trở lại đây. Hầu hết xưởng được dựng bằng kết cấu khung thép, mái tôn và tường gạch xây lửng khoảng hơn 2m... Thời điểm phóng viên Báo Hànộimới có mặt vào ngày 25-2-2014, nhiều hộ ở khu phố Nguộn vẫn đang nâng cao khung xưởng và không hề có dấu hiệu của việc xử lý các vi phạm này…
Trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Văn Tự Vũ Thị Nghĩ, chúng tôi được cung cấp một số thông tin: Năm 2013, xã Văn Tự đã xử lý 35 trường hợp lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn xã. Tuy nhiên, những vi phạm tại khu phố Nguộn, địa phương vẫn chưa thể xử lý. Lý giải cho việc này, bà Nghĩ cho biết: Thôn Nguyên Hanh được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận làng nghề sản xuất cơ khí và mộc từ năm 2003. Riêng thôn Nguyên Hanh đã có hàng trăm hộ trực tiếp sản xuất hai nghề trên và buôn bán gỗ. Vì không có mặt bằng cho làng nghề nên các hộ phải sản xuất trong khu dân cư, do đó nhiều năm qua người dân thôn Nguyên Hanh phải hứng chịu ô nhiễm môi trường về tiếng ồn, không khí, bụi và nguồn nước… Do vậy, các hộ dân đành phải sử dụng những diện tích đất nông nghiệp thuận tiện của gia đình làm mặt bằng cho việc chế biến và buôn bán gỗ. Vẫn biết các vi phạm tồn tại là điều bất hợp lý, song nếu xử lý các nhà xưởng ở phố Nguộn thì địa phương sẽ rơi vào trạng thái bất ổn. Xã Văn Tự đã quy hoạch 15ha đất để xây dựng khu vực dành riêng cho làng nghề và hồ sơ của dự án này đã được gửi đến các sở, ngành của thành phố xem xét từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Năm nào tiếp xúc cử tri, họp HĐND, dự án làng nghề cũng được người dân chất vấn, quan tâm và bức xúc vì lâu không có kết quả, nhưng cán bộ xã cũng không biết phải giải thích thế nào, vì phần việc thực hiện dự án hiện nay không thuộc thẩm quyền của xã…
Lý giải của lãnh đạo xã rõ ràng là thiếu thuyết phục, bởi không lẽ nếu dự án xây dựng làng nghề ở xã Văn Tự càng chậm thì nguy cơ người dân sử dụng đất sai mục đích sẽ càng nhiều? Để xảy ra nhiều vi phạm trên đất nông nghiệp rõ ràng là trách nhiệm của chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý. Song cũng phải thấy rằng việc xử lý vi phạm cũng chỉ giải quyết phần ngọn, mà tình trạng này chỉ thực sự thay đổi khi nhu cầu về mặt bằng sản xuất của người dân được đáp ứng và đây là nhu cầu chính đáng của người dân. Vì vậy, các cơ quan chức năng của thành phố và huyện Thường Tín cần xem xét, sớm triển khai dự án làng nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.