Sáng 13/8, trong tọa đàm về thực trạng và giải pháp cho ngành nước tương do Hội lương thực và thực phẩm TP HCM tổ chức, hơn 20 doanh nghiệp sản xuất nước tương đồng kiến nghị Sở Y tế thành phố gia hạn thêm thời điểm công bố hàm lượng 3-MCPD sau 31/8.
Hết 3-MCPD, người tiêu dùng lại e ngại nồng độ đạm trong thành phần chất lượng các loại nước chấm đang bán trên thị trường. |
Theo các doanh nghiệp, việc gia hạn thêm thời gian công bố hàm lượng 3-MCPD khoảng 6 tháng đến 1 năm nhằm tạo quỹ thời gian rộng rãi cho doanh nghiệp thay đổi quy trình công nghệ sản xuất, đưa ra thị trường nước tương sạch, giảm thiểu hàm lượng 3-MCPD.
Bà Lưu Đường, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Gò Vấp cho biết, từ thời điểm 25/3, công ty này đã thử sản xuất nước tương theo phương pháp lên men tự nhiên nhằm đảm bảo hàm lượng 3-MCPD dưới 1mg/l. Tuy nhiên, thành phẩm thu được cho mùi vị khác hẳn so với mùi vị sản xuất nước tương theo phương pháp thủy phân khô dầu bằng acid clor được các nhà sản xuất tại TP HCM áp dụng từ trước 1975 đến nay. Bà cho rằng, người tiêu dùng tại TP HCM đã quá quen thuộc với mùi vị nước tương được sản xuất theo phương pháp thủy phân nên khó chấp nhận ngay lập tức mùi vị mới. Thời gian ra thành phẩm cũng kéo dài 3-6 tháng, không có lợi cho nhà sản xuất vì giá thành cao.
Theo Hội lương thực thực phẩm TP HCM, thành phố có khoảng 50 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước tương với sản lượng trên 900 triệu lít/năm. Sản lượng này đáp ứng chừng 2/3 nhu cầu tiêu dùng của người dân TP HCM và các tỉnh lân cận. |
Ông Bồ Văn Cường, chủ cơ sở Lam Thuận sản xuất tàu vị yểu Con Gấu nói rằng, chất 3-MCPD sinh ra là do phản ứng phân giải, chứ không phải một phụ gia mà nhà sản xuất cho vào sản phẩm. "Do đó, cần phải có thời gian để cải thiện quy trình sản xuất cũ, chuyển đổi quy trình sản xuất mới thì mới có được sản phẩm đạt hàm lượng 3-MCPD theo quy định của Bộ Y tế", ông Cường bức xúc.
Ở một khía cạnh khác, Phó giám đốc Công ty cổ phần chế biến kinh doanh nông sản thực phẩm Nosafood, bà Kim Cương lại tỏ ra lo ngại trước khả năng người tiêu dùng sẽ "suy diễn", nước tương có nồng độ đạm cao cũng đồng nghĩa với hàm lượng 3-MCPD cao. Do đó, bà Kim Cương đề nghị các cơ quan chức năng cho phép nhà sản xuất nước tương không công bố chỉ tiêu hàm lượng đạm trên bao bì sản phẩm mà chỉ ghi chung là nước tương cao cấp.
Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Phụng, Trưởng phòng nghiệp vụ 3 thuộc Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3 nhắc nhở ngay rằng, công bố chỉ tiêu nồng độ đạm trong nước tương là quy định của Nhà nước và cũng thể hiện sự cam kết về chất lượng của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng. Do đó, về mặt pháp luật, doanh nghiệp không thể không công bố tất cả các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Phó viện trưởng Viện vệ sinh y tế công cộng TP HCM cho biết, mới đây Viện đã thử kiểm nghiệm nồng độ đạm của 40 mẫu nước tương đang lưu hành trên thị trường. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 8 mẫu nước tương được nhà sản xuất công bố nồng độ đạm trên bao bì sản phẩm. Trong đó có 25 mẫu có nồng độ đạm tương ứng với nồng độ 3-MCPD.
Song, theo bác sĩ Mai, không có bằng chứng nào cho thấy có sự quan hệ giữa nồng độ đạm với hàm lượng 3-MCPD, do đó nồng độ đạm cao không có nghĩa là hàm lượng 3-MCPD trong nước tương cũng cao. "Như vậy nhà sản xuất càng cần phải công bố thông tin chất lượng sản phẩm của mình một cách rõ ràng để định hướng chọn lựa đúng cho người tiêu dùng", bác sĩ Mai nói.
Bà Trương Lan Anh, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ nước chấm TP HCM khuyến nghị các nhà sản xuất nước tương cần liên kết với nhau trong việc áp dụng một quy trình công nghệ sản xuất nước tương sạch. "Nếu cần, có thể cùng góp vốn để thành lập một công ty cổ phần chuyên cung cấp nguyên liệu khô dầu, khô đậu nành, cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất nước tương sạch cho từng doanh nghiệp. Tránh tình trạng doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu từ nhiều nguồn như hiện nay nên khó kiểm soát được chất lượng", bà Lan Anh đưa ra giải pháp.
Theo VNE
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.