Theo dõi Báo Hànộimới trên

DN bảo hiểm phải lập quỹ để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm

V.A| 20/10/2010 15:32

(HNMO) – Được trình Quốc hội chiều 20/10, Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã kiến nghị, bổ sung quy định yêu cầu DN bảo hiểm phải lập quỹ để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm.


Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm của Chính phủ cho biết, qua 10 năm thực hiện, Luật KDBH đã tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế, đồng thời đã tạo ra khuôn khổ pháp lý để duy trì trật tự, kỷ cương, ngăn ngừa những hành vi trục lợi trong lĩnh vực bảo hiểm.

Kể từ khi Luật KDBH ra đời, số doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã tăng từ 14 lên 50 DNBH, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, thuộc mọi thành phần kinh tế. Tính đến tháng 3/2010, các DNBH nước ngoài đã đầu tư với tổng số vốn hơn 1 tỷ USD, trong đó có các DNBH hàng đầu thế giới.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng từ 3.056 tỷ đồng năm 2000 lên 25.510 tỷ đồng năm 2009, tăng 8,3 lần và đạt 2% GDP, với tốc độ tăng bình quân trên 27%/năm; tổng số tiền các DNBH đã huy động đầu tư trở lại nền kinh tế tăng từ 5.000 tỷ đồng năm 2000 lên 66.900 tỷ đồng năm 2009, tăng 13,3 lần.

Các DNBH đã giải quyết đền bù thiệt hại cho các doanh nghiệp và người dân tham gia bảo hiểm giúp cho họ vượt qua khó khăn, tiếp tục ổn định, phát triển sản xuất và đời sống với tổng số tiền bồi thường trong giai đoạn 2000 - 2009 khoảng 44.419 tỷ đồng, trong đó năm 2000 là 789 tỷ, năm 2009 là 9.721 tỷ, tăng 12,3 lần.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, trong thời gian qua, thị trường bảo hiểm cũng còn một số tồn tại và hạn chế như quy mô thị trường bảo hiểm đang còn nhỏ, doanh thu mới đạt 2% GDP so với mức trung bình của thế giới là 7%/GDP nên tiềm năng phát triển của thị trường còn tương đối lớn; vẫn còn hiện tượng cạnh tranh chưa lành mạnh, khép kín hoạt động bảo hiểm theo ngành tạo sân chơi không bình đẳng; nhận thức của các tổ chức, cá nhân về bảo hiểm chưa cao, quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm chưa được bảo vệ tối ưu.

Nhằm khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và tạo ra sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy định của Hiến pháp, các bộ luật và luật hiện hành, phù hợp với các cam kết và điều ước quốc tế, Chính phủ kiến nghị sửa đổi, bổ sung 3 nhóm vấn đề, liên quan đến 10 nội dung tại 16 điều, trong tổng số 129 điều của Luật KDBH hiện hành.


DN kinh doanh bảo hiểm sẽ phải lập quỹ bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm


Nổi bật trong số này là việc cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhu cầu bảo hiểm có thể lựa chọn tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động ở Việt Nam hoặc sử dụng dịch vụ bảo hiểm được cung cấp qua biên giới. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo quy định của Chính phủ.

Về phân loại nghiệp vụ bảo hiểm, ngoài 2 loại hình bảo hiểm bao gồm 5 nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ và 11 nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ hiện hành, luật mới bổ sung thêm nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí; các nghiệp vụ bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ.

Về các vấn đề liên quan đến đấu thầu, hợp tác và cạnh tranh, Luật KDBH sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc về đấu thầu, hợp tác và cạnh tranh trong kinh doanh bảo hiểm. Các vấn đề cụ thể về nội dung hợp tác, cạnh tranh và đấu thầu trong bảo hiểm sẽ do Chính phủ hướng dẫn cho phù hợp với từng thời kỳ, nhằm duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các DNBH.

Luật mới được xây dựng cũng sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm nâng cao yêu cầu quản lý nhà nướcnhư quy định năng lực tài chính và có bằng chứng chứng minh nguồn tài chính hợp pháp là điều kiện bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; quy định đại lý bảo hiểm phải có chứng chỉ đại lý bảo hiểm, đồng thời bổ sung việc Bộ Tài chính quy định về chương trình, nội dung và hình thức đào tạo, phối hợp với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam trong việc tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm….

Về bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm, Luật KDBH sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể các trường hợp phát sinh trách nhiệm bảo hiểm như: Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm đầy đủ hoặc là Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và DNBH đã có thoả thuận bằng văn bản cho bên mua nợ phí bảo hiểm hoặc đã có bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm, yêu cầu DNBH lập quỹ để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm…

Nếu được thông qua, Chính phủ đề nghị Luật sửa đổi, bổ sung trên sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2011.

Những kiến nghị sửa đổi, bổ sung của Chính phủ cơ bản được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí.

Đáng chú ý, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế tán thành bổ sung quy định cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới nhằm phù hợp với các cam kết của WTO. Tuy nhiên, do hoạt động này có liên quan đến việc chuyển ngoại tệ từ trong nước ra nước ngoài thông qua thanh toán phí bảo hiểm, cũng như dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua thanh toán bồi thường tổn thất, vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng các quy định trong khuôn khổ cam kết nhằm kiểm soát chặt chẽ dịch vụ bảo hiểm qua biên giới đối với dịch vụ gốc (các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm trực tiếp) để tránh thất thoát ngoại tệ và thất thu thuế của Nhà nước.

Về trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm trích lập quỹ bảo vệ cho người mua bảo hiểm và cho rằng đây là hình thức bảo đảm an toàn, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra đối với thị trường tài chính (hiện nay các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore.... đã thực hiện). Tuy nhiên, cần quy định cụ thể trong Luật nguyên tắc về tỷ lệ trích lập, cách thức quản lý và sử dụng quỹ này để Chính phủ có căn cứ hướng dẫn cho phù hợp với từng thời kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
DN bảo hiểm phải lập quỹ để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.