Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đinh vít nhỏ, cuộc chiến lớn

Quỳnh Chi| 21/05/2010 06:35

(HNM) - Sản phẩm dệt may, giày mũ da, bột khoai tây, giấy, khoáng sản và giờ là đinh vít - những tranh chấp thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc có xu hướng ngày càng "tăng nhiệt". Chỉ trong vòng 1 năm qua, cả hai phía liên tiếp tung ra những hành động nhằm trả đũa lẫn nhau trong việc áp thuế với nhiều mặt hàng chiến lược.

Tranh chấp về đinh vít bùng nổ cuối tuần trước sau khi Ủy ban châu Âu (EC) đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chống lại việc Trung Quốc đánh thuế bán phá giá đối các sản phẩm đinh vít bằng thép nhập khẩu từ châu Âu. Phía EU cho rằng cách Trung Quốc tính thuế chống bán phá giá và áp thuế trừng phạt đánh vào mặt hàng này là không phù hợp, đồng thời cáo buộc việc áp thuế chống bán phá giá tạm thời trong khoảng từ 16,8% tới 24,6% khoảng cuối tháng 12 năm ngoái và có thể quyết định áp dụng lâu dài mức thuế đó bắt đầu từ cuối tháng 6 tới là vi phạm các quy định của WTO, gây ảnh hưởng tới lợi ích của các công ty thuộc khối này. Theo thủ tục, Liên minh châu Âu và Trung Quốc có 60 ngày để thương lượng. Nếu không thành, cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO mới xem xét và ra phán quyết.

Nguyên nhân của "cuộc chiến" đinh vít lần này bắt nguồn từ tháng 7 năm ngoái khi EU sử dụng loại thuế tương tự với một số sản phẩm ốc vít Trung Quốc từ 26,5% tới 85%. Đây là mức thuế đáng ngại cho bất kỳ nhà sản xuất nào. Các chuyên gia thương mại châu Âu cho rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc có lợi thế vì chính sách trợ giá trong ngành thép cho phép họ tiếp cận nguyên vật liệu giá rẻ. Với lý do này, EU đã bác bỏ đề nghị của hàng chục nhà sản xuất Trung Quốc được đối xử theo quy chế "kinh tế thị trường" của EU - nhân tố sẽ giúp giảm nguy cơ bị áp đặt các mức thuế chống bán phá giá đối với họ. Giới chuyên gia nhận định, không có quy chế kinh tế thị trường, EU đã sử dụng các nước thứ 3 như Ấn Độ hoặc Brazil - những thị trường giá cả thường cao hơn - để đánh giá chi phí của các công ty Trung Quốc. Vì vậy, hiện tượng bán phá giá hầu như bị phát hiện trong nhiều trường hợp của Trung Quốc - nước sản xuất ốc vít lớn nhất thế giới - là đương nhiên.

Song song với "cuộc chiến" đinh vít, EU đang chuẩn bị triển khai cuộc điều tra trợ giá trong ngành công nghiệp trong nước của Trung Quốc trong đó có mặt hàng giấy tráng. Cuộc điều tra này có thể dẫn đến các sản phẩm của Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu sẽ bị áp một loạt thuế mới. Bên cạnh đó, liên minh này cũng dọa kiện quốc gia đông dân nhất thế giới ra WTO vì các biện pháp kiểm duyệt internet mà EU cho là đi ngược lại tự do thương mại. Để đáp trả, Trung Quốc đang xúc tiến điều tra phúc thẩm về việc bán phá giá và biên độ bán phá giá với hàng tinh bột khoai tây từ EU.

Những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa quốc gia đông dân nhất thế giới và Lục địa già cũng khiến cho các cuộc "đấu khẩu" giữa hai bên ngày càng gia tăng. Hiện tại, Trung Quốc cho rằng những biện pháp mà EU áp dụng mang tính kỳ thị và không công bằng. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) lại khẳng định, các biện pháp chống phá giá của châu Âu không phải là hành động "bảo hộ mậu dịch" như Trung Quốc lên án, mà thật ra là để ngăn chặn các hình thức cạnh tranh không lành mạnh".

Quan hệ thương mại EU - Trung Quốc bùng nổ trong những năm gần đây đã biến EU thành thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của châu Âu, sau Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc tranh chấp thương mại ngày càng leo thang có thể sẽ khiến quan hệ giữa hai bên rơi vào thời kỳ trầm lắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đinh vít nhỏ, cuộc chiến lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.