Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đình Tân Lân

Đức Anh| 16/07/2022 16:04

(HNMCT) - Đình Tân Lân là nơi thờ Trấn biên Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, có mặt tiền hướng tây nam nhìn về sông Đồng Nai. Xưa kia, nơi này thuộc thôn Tân Lân, huyện Phước Chánh, dinh Trấn Biên; nay thuộc phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Trần Thượng Xuyên (1626 - 1720) nguyên là tướng nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi nhà Minh bị nhà Thanh tiêu diệt, Trần Thượng Xuyên và một tướng khác là Dương Ngạn Địch cùng binh tướng dưới quyền và gia nhân bỏ đi tị nạn. Đoàn gồm 3.000 người và 50 chiến thuyền do Trần Thượng Xuyên dẫn đầu tới cửa Tư Hiền (Thừa Thiên) và cửa Đà Nẵng vào tháng Giêng năm Kỷ Mùi (1679), tới xin thần phục chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã đồng ý và cho Trần Thượng Xuyên tới vùng Biên Hòa - Gia Định, Dương Ngạn Địch tới vùng Mỹ Tho khai khẩn, làm ăn sinh sống. Trần Thượng Xuyên đã có công lớn khi khai mở vùng đất Biên Hòa. Thời Trần Thượng Xuyên cai quản, Cù lao Phố (Biên Hòa) trở thành một thương cảng giàu có, tấp nập từ giữa thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII. 

Ngày 23 tháng 10 năm Canh Tý (1720), Trấn biên Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên mất. Để ghi nhớ công lao của ông, nhân dân trong vùng đã lập miếu thờ trong khu vực thành cổ Biên Hòa. Do chiến tranh, ngôi miếu hai lần phải dời chuyển để đóng tại vị trí hiện nay. Năm 1935, miếu được xây dựng kiên cố và đặt tên là Tân Lân Thành cổ miếu, dân gian vẫn gọi là đình Tân Lân. 

Đình Tân Lân được xây dựng trên một khuôn viên rộng 3.000m2, có bố cục hình chữ “tam”, gồm tiền đình, chính điện, hậu cung. Kiến trúc của công trình là sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc nhà Nguyễn và kiến trúc vùng Hoa Nam (Trung Quốc) với hệ khung gỗ, tường bao, mái ngói âm dương theo phong cách thời Nguyễn. Những trang trí trên mái, bờ nóc, bờ chảy lại đậm nét Trung Hoa, cùng với đó là hệ thống tượng theo điển tích như vinh quy bái tổ, hội triều nơi thiên đình... Tượng Trần Thượng Xuyên uy nghiêm ngự trên ngai sơn son thếp vàng được đặt trang trọng ở chính điện - nơi có những hàng cột gỗ lim to, những cặp chim trĩ, loan, phượng bằng đồng đứng chầu cùng bộ bát bửu bằng đồng đặt trước ban thờ thần. Ngoài ra, đình còn thờ các vị thần khác như bà Thiên Hậu, Quan Công, Bạch Mã thái giám... Trong đình hiện còn lưu giữ sắc thần của vua Tự Đức ban cho Trần Thượng Xuyên, các tài liệu Hán Nôm cùng 8 tấm liễn đối, 12 tấm hoành phi...

Đình Tân Lân là công trình kiến trúc đặc sắc đã được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1991.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Tân Lân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.