Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định hướng xây dựng chính sách hỗ trợ người khuyết tật

Mai Hoa| 16/01/2023 07:16

(HNM) - Với sự chung tay của toàn xã hội, những khó khăn, rào cản đối với người khuyết tật từng bước giảm dần, quyền của người khuyết tật ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Trong đó, việc định hướng rõ ràng trong xây dựng chính sách và thực hiện các quy định hỗ trợ người khuyết tật có ý nghĩa rất quan trọng.

Tư vấn việc làm cho người khuyết tật tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (quận Cầu Giấy).        

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Về người khuyết tật Việt Nam Nguyễn Văn Hồi cho biết, công tác bảo đảm an sinh xã hội cho người khuyết tật đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, chủ động. Quyền của người khuyết tật ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Các cơ quan, đơn vị đã cố gắng thực hiện những quy định hỗ trợ người khuyết tật... Tuy nhiên, hiện người khuyết tật vẫn còn gặp một số rào cản. Đơn cử như hạ tầng giao thông tại các thành phố lớn, đô thị mặc dù đã được cải tạo rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do vỉa hè, đường phố chật hẹp, chưa được cải tạo để phù hợp với việc di chuyển của người khuyết tật; các thiết bị trợ giúp người khuyết tật chưa được đầu tư, trang bị đầy đủ trên các phương tiện giao thông công cộng, làm hạn chế sự tiếp cận của người khuyết tật đối với các phương tiện giao thông.

Cùng với đó, mức trợ cấp xã hội cho người khuyết tật còn thấp; số lượng người khuyết tật được các cơ sở trợ giúp xã hội chưa nhiều; cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp người khuyết tật còn thiếu thốn. Đáng chú ý, vẫn còn nhiều người khuyết tật chưa được học nghề, tư vấn hỗ trợ tìm việc làm và vay vốn để phát triển sản xuất; phương pháp tiếp cận đối tượng học nghề chưa phù hợp; chưa khuyến khích được nhiều doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia vào quá trình đào tạo, tạo việc làm cho người khuyết tật...

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Tô Đức cho biết, trong năm 2023, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người khuyết tật sẽ được rà soát, chú trọng đến những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giao thông, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho người khuyết tật. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng hồ sơ trình dự án sửa đổi bổ sung Luật Người khuyết tật, Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội; trong đó, việc lồng ghép, bổ sung các chính sách phù hợp đối với người khuyết tật được quan tâm. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí giáo dục - đào tạo và dạy nghề hằng năm để thực hiện chính sách đào tạo nghề cho người khuyết tật theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023, các địa phương cần ưu tiên triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế đối với người khuyết tật không có sinh kế ổn định, thông qua các mô hình sinh kế hiệu quả, như: Mô hình khởi nghiệp; mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho người khuyết tật; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng...

Một vấn đề cũng thu hút được sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân, đó là tính đến cuối năm 2022, mới có hơn 3 triệu người khuyết tật (trong tổng số khoảng 6,7 triệu người khuyết tật của cả nước) được cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Điều này khiến những người khuyết tật không có giấy chứng nhận khuyết tật khó tiếp cận việc mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ các dụng cụ và phương tiện di chuyển từ Quỹ Vì người nghèo các cấp. Cùng với đó, việc nhiều học sinh khuyết tật đang đi học chưa có giấy chứng nhận khuyết tật, khiến bản thân học sinh đó không được nhận các chế độ, chính sách về bảo trợ xã hội và chính sách hỗ trợ giáo dục theo Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31-12-2013 của liên bộ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính quy định về chính sách giáo dục đối với người khuyết tật. Do đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo chính quyền cơ sở triển khai nghiêm túc việc tổ chức xác nhận và cấp giấy chứng nhận cho người khuyết tật, tạo điều kiện cho người khuyết tật được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Định hướng xây dựng chính sách hỗ trợ người khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.