Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định hướng chuyển đổi cây trồng trên toàn huyện

Bạch Thanh| 01/12/2010 07:07

(HNM) - Mô hình liên kết


Thu nhập gấp đôi so với cấy lúa


Nông dân xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) chăm sóc cây ớt.


Mô hình trồng ớt xuất khẩu có quy mô 22,5ha do Công ty cổ phần Lương thực Hồng Hà (Tổng Công ty Lương thực miền Bắc) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ nông dân giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Viện Rau quả trung ương, Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc theo quy trình VietGap đã cho hiệu quả tốt trên đồng đất Chương Mỹ. Theo tính toán của Công ty, mỗi hécta ớt cho thu hoạch 22 tấn và 100% sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc nên hiệu quả kinh tế khá cao. Ông Hoàng Văn Thám, Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho rằng: Với cây ớt, nếu biết khai thác đúng hướng sẽ trở thành cây có hiệu quả kinh tế cao vì phù hợp với điều kiện thời tiết và chu kỳ ngắn ngày (hiện cây ớt đã cho thu nhập gấp đôi so với trồng lúa), vì vậy mô hình trồng ớt được coi là hướng đi mới của huyện Chương Mỹ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiệu quả kinh tế của cây ớt đã rõ, tuy nhiên, quá trình sinh trưởng của cây ớt từ giai đoạn mới xuống giống đến cho thu hoạch khá phức tạp, đòi hỏi phải chăm bón công phu, đúng kỹ thuật, biết cách phòng trừ sâu bệnh mới cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, vai trò của mối liên kết "4 nhà" đặc biệt quan trọng. Để tìm hướng cho việc trồng ớt xuất khẩu đạt hiệu quả cao nhất và nhân ra diện rộng, Công ty CP Lương thực Hồng Hà cùng với Viện Rau quả trung ương, Sở NN&PTNT và UBND huyện Chương Mỹ đã triển khai thí điểm 3 mô hình trồng ớt khác nhau ở 4 xã của huyện Chương Mỹ và bước đầu đã rút ra được những ưu, nhược điểm rõ nét.

Tạo mối liên kết ăn ý với nông dân


Qua thực tế triển khai mô hình điểm tại 4 xã cho thấy, nơi nào liên kết "4 nhà" ăn ý thì ở đó mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Ở xã Thượng Vực, người nông dân tự trồng (quy mô hơn 4ha) nên cây ớt sinh trưởng, phát triển không đồng đều. Do bà con chưa thực sự tin tưởng vào cây trồng mới nên chăm sóc lơ là, trong quá trình thực hiện kỹ thuật làm luống, chọn giống chưa chuẩn nên hiệu quả thấp. Trong khi đó tại xã Hồng Phong và Đồng Phú, trên diện tích gần 20ha, cây ớt lại sinh trưởng và phát triển tốt, cán bộ HTX, khuyến nông, BVTV địa phương vào cuộc sát sao, bám ruộng thực hiện "3 cùng" với nông dân. Ở xã Hồng Phong, các hộ tham gia mô hình đều là cán bộ địa phương như: Chủ nhiệm HTX, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Bí thư chi bộ các thôn… nên tinh thần trách nhiệm cao và việc tiếp thu KHKT cũng dễ dàng. Riêng ở xã Đồng Phú, sự góp mặt của DN và các cơ quan chuyên môn đã làm cho mô hình thực sự hiệu quả. Ở đây, DN thuê lại toàn bộ xứ đồng sau đó thuê lại các hộ có ruộng vào làm công với thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Người nông dân sẽ làm đất, chăm sóc… dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Viện Rau quả trung ương, Công ty Hồng Hà, cán bộ cơ quan bảo vệ thực vật, khuyến nông nên hiệu quả mô hình khá rõ. Chị Vũ Thị Hợp ở xã Đồng Phú phấn khởi cho biết: "Tôi rất hài lòng với hình thức liên kết này, chúng tôi sẵn sàng cho DN thuê toàn bộ ruộng còn lại với thời hạn 5 năm, 10 năm để trồng ớt nếu có hiệu quả cao. Nhờ đã nắm được quy trình trồng ớt nên sau khi hết thời gian thực hiện hợp đồng này, chúng tôi sẽ ký hợp đồng trồng ớt trực tiếp với DN". Về phía DN, Công ty Hồng Hà cũng xác định, liên kết 4 nhà ở mô hình này có ý nghĩa quyết định đối với việc xuất khẩu ớt mà DN đã ký với đối tác Hàn Quốc trong 3 năm. Tuy nhiên liên kết như thế nào để đạt hiệu quả kinh tế cao đang là bài toán nan giải. Thực tế, liên kết giữa DN với Nhà nước và nhà khoa học thường ít có rủi ro, khi có mâu thuẫn phát sinh dễ giải quyết trên tinh thần hợp tác nhưng việc liên kết với nông dân thường bộc lộ nhiều khó khăn. Thông thường khi có rủi ro, DN phải bồi thường thiệt hại cho nông dân cao hơn cấy lúa nhưng khi thị trường nông sản lên cao thì một số người dân lại phá bỏ hợp đồng, bán sản phẩm ra thị trường để có lãi cao hơn. Muốn khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc tuyên truyền, khuyến khích nông dân tham gia mô hình, chính quyền, cán bộ chuyên môn và DN cũng cần đồng hành với người dân để bà con thấy cái lợi của việc liên kết mà bắt tay cùng DN mới tạo sự phát triển bền vững.

Có thể thấy mô hình trồng ớt ở Chương Mỹ bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là một hướng đi tích cực cho các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ghi nhận sự phát triển của mô hình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trịnh Duy Hùng nhấn mạnh, tính tự chủ của địa phương và nông dân rất quan trọng trong việc thực hiện quá trình chuyển đổi cây trồng. Muốn nâng cao thu nhập cho nông dân, đáp ứng các tiêu chí về thu nhập trong xây dựng NTM, Chương Mỹ phải coi việc chuyển đổi từ sản xuất lúa giá trị thấp sang các cây rau, củ, quả chất lượng cao, trong đó có cây ớt là một hướng đi cần nhân rộng. Để mô hình thành công thì vai trò của chính quyền địa phương và cán bộ kỹ thuật của DN, Viện Rau quả và ngành nông nghiệp phải được phát huy tích cực mới nhân rộng được mô hình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Định hướng chuyển đổi cây trồng trên toàn huyện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.