(HNM) - Cách đây đúng 5 năm, cả thế giới chấn động khi tin tức từ nước Mỹ phát đi
Không ai có thể tin được rằng, một trong những ngân hàng lâu đời nhất của Mỹ, với lịch sử 158 năm, lại có thể tan vỡ với khối nợ hơn 600 tỷ USD vì cho vay dưới chuẩn. Thế nhưng, điều khủng khiếp hơn lại đến sau đó. "Căn bệnh" cho vay ồ ạt ngay cả khi tài sản thế chấp không đủ bảo đảm trả nợ như hệ quả của chính sách lãi suất thấp duy trì từ đầu những năm 2000 đã đồng loạt bùng phát ở các tổ chức tài chính khổng lồ tại Mỹ và Châu Âu. Thanh khoản thị trường tê liệt, căng thẳng tín dụng, giá các tài sản lao dốc…, thế giới bước vào cuộc khủng hoảng tài chính được xem là hàng trăm năm mới có một lần trong nỗi hoảng loạn bao trùm.
Kinh tế thế giới đã có nhiều thay đổi thời hậu khủng hoảng. |
Phá sản, sáp nhập, sản xuất đình đốn…, những dư chấn của trận "động đất" tài chính năm 2008 gần như diễn ra hằng ngày và dồn dập. Chỉ riêng năm 2009, nước Mỹ đã chứng kiến sự xóa sổ hơn 140 ngân hàng hay đơn xin vỡ nợ của những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp lừng danh của xứ Cờ hoa như General Motors (GM) hay Chrysler. 5 năm sau ngày đáng quên 15-9, bóng đen khủng hoảng vẫn đang là nỗi ám ảnh hằng ngày. Dù những nỗ lực bơm tiền vào thị trường nhằm tăng thanh khoản của nhiều quốc gia đã khiến thế giới tránh được nguy cơ của một cuộc suy thoái kép từng được dự báo, nhưng lại mở ra những cuộc khủng hoảng khu vực chưa từng có tiền lệ.
Trước khi Hy Lạp đi vào lịch sử Châu Âu như quốc gia đầu tiên cần sống nhờ bằng các gói cứu trợ để tránh phá sản, khái niệm nợ công quốc gia có thể trở thành một "bệnh dịch" lây truyền có lẽ chưa từng được nhắc tới. Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng khi Lục địa già thành tâm điểm của "cơn bão" nợ vô tiền khoáng hậu. Những ý kiến chỉ trích sự lơi lỏng quản lý của Châu Âu để những nền kinh tế yếu kém nhưng lại có thể chi tiêu hào phóng đến nỗi dẫn tới khủng hoảng đã quá nhiều. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa rằng cơn địa chấn tài chính xuất phát từ Mỹ không có liên can. Không thể bác bỏ những lỗi hệ thống, chính sách hay cơ chế, nhưng việc Châu Âu phải điêu đứng với nợ nần ngày hôm nay một phần có sự đóng góp của những giải pháp hỗ trợ vượt khủng hoảng từ 5 năm trước. Thực tế là, giống như nhiều quốc gia khác, lãnh đạo Lục địa già đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào những gói kích thích tăng trưởng bằng các biện pháp tài khóa. Tuy nhiên, "liều thuốc giải" được ưa chuộng này đã thành "viên thuốc độc" tại một khu vực đồng tiền chung Châu Âu đang có sự cách biệt rất lớn về tiềm lực của các thành viên. Nợ nần là hậu quả tất yếu của tình trạng thâm hụt ngân sách tăng dần. Vậy là, ngay sau khi hào hứng công bố thông tin đã thoát khỏi suy thoái kinh tế vào năm 2009, Lục địa già đã gần như lập tức rơi vào vòng xoáy khủng hoảng mới và việc ứng phó với nó vẫn đang thách thức sự đoàn kết, quyết đoán và cả hy sinh đau đớn tại châu lục.
Trái ngược với sự hào phóng trước đó, việc thắt chặt chi tiêu đã đưa Châu Âu vào kỷ nguyên thắt lưng buộc bụng chưa từng có. Từ chỗ là một trung tâm của kinh tế toàn cầu, Cựu lục địa phải vất vả với những kế hoạch tài chính tằn tiện chỉ để không rơi vào suy thoái trở lại. Bên kia Đại Tây Dương, nước Mỹ chưa thực sự thành công với các gói kích thích khổng lồ để giảm thất nghiệp, cứu thị trường nhà đất và phục hồi sản xuất. Trong khi đó, Nhật Bản lại thiếu may mắn khi gặp phải thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 làm đình trệ đà hồi phục. Từ đây, thế giới thời hậu khủng hoảng lại chứng kiến một xu thế đã đảo ngược hoàn toàn bản đồ kinh tế toàn cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử, những quốc gia đang phát triển nhanh đã thay thế những quốc gia phát triển để trở thành động lực cho cỗ xe kinh tế thế giới. Thuật ngữ "những nền kinh tế mới nổi" đã trở nên phổ biến và giành được sự ngưỡng mộ của không ít nhà kinh tế.
Tuy nhiên, dường như điều thần kỳ nào cũng khó kéo dài mãi. Đến nay, sau một thời gian chiếm ưu thế trên sân chơi thương mại toàn cầu, những điểm sáng kinh tế mới nổi lại đang bộc lộ những dấu hiệu lu mờ. Không chỉ "cỗ máy tăng trưởng" Trung Quốc đang chậm lại rõ ràng với mục tiêu chỉ là 7,5% cho năm nay và tổng nợ có thể lên đến 200% GDP, những "ngôi sao" khác như Ấn Độ, Brazil, Indonesia… cũng đang đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng về tài chính. Và kỳ lạ là, kinh tế thế giới lại như đang trở lại trục xoay vốn có của nó. Sự phục hồi tích cực hơn đang đưa những quốc gia phát triển về vị trí dẫn dắt nền kinh tế thế giới.
Cho dù xu thế này chưa rõ ràng nhưng điều chắc chắn là cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã là cuộc thanh lọc khắt khe, nơi những thực thể yếu đuối sẽ lộ diện và bị loại bỏ. Nhưng mặt khác, biến cố lớn lao này cũng đã mang đến nhiều thay đổi và định hình lại cục diện kinh tế toàn cầu với sự nổi lên của những nhân tố mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.